Tự do báo chí
“Thông tin độc lập cũng như thông tin tự do là những cái không thể có trong một xã hội nằm dưới sự kiểm soát của một đảng cộng sản như Việt Nam” - một tổ chức theo dõi nhân quyền có trụ sở tại Hoa Kỳ làm “báo cáo phúc trình” về tình hình Việt Nam như vậy. Một số phần tử cơ hội chính trị trong nước cũng nhân đó tán phát các bài viết “tiếp âm, khuếch đại” cho rằng “Tình hình ngày càng tồi tệ, những nhà báo dám nói, dám viết trong nước đang không chốn dung thân”. Đây là những luận điệu phản động không có gì mới, nhưng để rộng đường dư luận, chúng tôi muốn cùng bạn đọc nhìn nhận một cách toàn diện, đầy đủ về tự do báo chí ở Việt Nam hiện nay...
Cách đây hơn 100 năm, năm 1919, nhà yêu nước của Việt Nam - Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Véc-xai bản “Yêu sách 8 điểm” của nhân dân Việt Nam đã đề cập một khát vọng cháy bỏng của người Việt lúc đó là tự do báo chí. Dưới chế độ cai trị của thực dân Pháp, nhân dân Việt Nam hoàn toàn không có tự do báo chí.
Năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam vùng dậy làm nên Cách mạng Tháng Tám, dựng lên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với mục tiêu “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Nhưng để có độc lập, tự do, thống nhất đất nước thực sự, nhân dân Việt Nam đã phải kiên cường kháng chiến suốt 30 năm chống lại hai cuộc xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hiến pháp của nước Việt Nam mới kể từ bản đầu tiên năm 1946 đến bản tiếp theo năm 1959, 1980, 1992 và gần đây nhất năm 2013 đều khẳng định công dân có quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí.
Luật Báo chí năm 2016, có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 đã khẳng định quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí với những điều luật cụ thể; xác lập các nội dung luật pháp tương ứng nhằm tạo điều kiện và bảo đảm để quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí được tổ chức, quản lý một cách dân chủ, công bằng, văn minh, phù hợp với yêu cầu của tiến trình xây dựng, phát triển đất nước. Có thể nói, là một chính đảng ra đời từ khát khao độc lập, tự do của nhân dân, hơn ai hết, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng quyền tự do báo chí, coi đó là mục tiêu lãnh đạo, mục tiêu cầm quyền của mình.
Nhưng, vẫn còn nhiều ý kiến thiếu khách quan từ bên ngoài cho rằng, với việc Hiến pháp năm 2013 khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với Nhà nước và xã hội; qua đó khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí thì báo chí trở thành công cụ tuyên truyền của Đảng, báo chí dù “100 hay 1.000 tờ” thì cũng vẫn như nhau, chỉ “tô hồng nghị quyết của Đảng”. Họ không dám nhìn thẳng vào hiện thực đảng chính trị lãnh đạo nhà nước và xã hội là vấn đề khách quan trên toàn thế giới đương đại. Hiện nay, bất kể quốc gia nào cũng có vai trò lãnh đạo của đảng chính trị. Đảng nào trở thành đảng cầm quyền đều có đường lối, mục tiêu của họ với mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Báo chí đương nhiên không thể tách rời sự lãnh đạo đó. Ở các quốc gia có nhiều đảng phái chính trị, quyền lãnh đạo đối với báo chí của đảng cầm quyền chủ yếu thông qua hoạt động quản lý và chi phối của chính quyền. Trong khi nhiều đảng cầm quyền trên thế giới né tránh nói về hoạt động lãnh đạo của họ đối với báo chí, thì Đảng Cộng sản Việt Nam (với sự đồng ý của tuyệt đại đa số nhân dân, được hiến định trong Hiến pháp năm 2013) lại công khai và nhận trách nhiệm lãnh đạo về mình, coi đó là điều kiện quyết định bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí tại Việt Nam.
Nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới chỉ ra, ở các nước đa đảng, báo chí luôn được xem là “chiến trường” tranh giành ảnh hưởng của các đảng chính trị. Sự can thiệp của các đảng chính trị vào báo chí là một thực tế khách quan. Ở Việt Nam, nhân dân Việt Nam chắc chắn không bao giờ chấp nhận để những tổ chức chính trị ngoài vòng pháp luật tham gia “lãnh đạo” báo chí. Một số vụ việc tiêu cực ở cơ sở vừa qua, người dân đi khiếu kiện nhưng kiên quyết từ chối chia sẻ thông tin với một số tờ báo nước ngoài hoặc từ chối gặp mặt một số người tự xưng là đại diện “xã hội dân sự”. Đó là những thứ “tự do", "dân chủ” mà nhân dân ta không chấp nhận, đòi hỏi Đảng ta phải đấu tranh, loại bỏ. Dù tình hình còn nhiều phức tạp, nhưng nhân dân ta luôn thấy rõ và thừa nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với báo chí nước nhà, coi đó là điều kiện tiên quyết để bảo đảm tự do báo chí.
Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người được tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý... Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tức là phục tùng chân lý”. Chúng ta không chấp nhận báo chí tự do “ngoài vòng pháp luật”; không chấp nhận những người lợi dụng tự do báo chí để tạo ra những lực lượng đối lập, đối kháng với con đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
Hà Thanh