Từ chức-qua góc nhìn CCB

1- Cách đây 70 năm, vào ngày 17-10-1945 khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời, trên báo Cứu Quốc-cơ quan của Mặt trận-đăng một lá thư của Bác Hồ gửi Ủy ban các kỳ, tỉnh, huyện và làng. Bác khen ngợi nhiều cán bộ đã tận tụy, hi sinh, hết lòng vì dân vì nước. Và Bác cũng vạch rõ lỗi lầm rất nặng nề của một số cán bộ lãnh đạo: cậy thế quan cách mạng, coi khinh dư luận, ăn muốn ngon, ngày càng xa xỉ, lấy của công vào việc tư, người có tài đức không vừa lòng mình thì loại ra…
Một tuần lễ sau, ngày 25-10-1945, báo Cờ Giải Phóng-cơ quan của Đảng đăng bài “Một thái độ” ký bút danh Điền Tử. Tác giả Điền Tử đã phỏng vấn một số cán bộ sau khi đọc thư của Bác và động viên những cán bộ phạm những lỗi lầm nặng nề phải biết tự xử; tự phê bình trước dân và dám nhường chức vụ cho người tài, đức hơn mình. Làm như thế không hề mất uy tín mà ngược lại càng chứng tỏ là một lãnh đạo biết đặt quyền lợi của dân, của nước lên trên hết. Tác giả bài báo khẳng định “Từ chức như vậy là yêu nước”.
2- Không rõ 70 năm qua, kể từ ngày hai bài báo trên ra đời có bao nhiêu cán bộ lãnh đạo từ xã, phường, quận, huyện, tỉnh, thành và Trung ương tự xử mình bằng hành động xin từ chức khi không hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ biết gần đây có vài trường hợp cán bộ cao cấp xin từ chức được dư luận quan tâm bàn tán.
Ông Lê Huy Ngọ xin từ chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vì tự thấy trách nhiệm của mình trong vụ án Lã Thị Kim Oanh. Một vụ án nổi tiếng vào thời điểm ấy làm hai vị Thứ trưởng Bộ này lâm vào vòng lao lý và Bộ trưởng thì bị cảnh cáo. Công lao và khuyết điểm của ông Bộ trưởng được dư luận đánh giá công tâm.
Ông Huỳnh Tấn Thành-Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận xin thôi chức vì khuyết điểm đã để giao đất không đúng quy định.
Trường hợp xin từ chức của ông Trần Đăng Tuấn-Phó tổng giám đốc Đài Truyền hình T.Ư lại gây ngạc nhiên bất ngờ. Dư luận đồn đoán nhiều chiều bởi nó chưa có tiền lệ ở thời buổi này. Ông không bị kỷ luật, trái lại nghe nói ông là một người có năng lực, có công với ngành báo hình nước ta. Chia sẻ về quyết định của mình, ông nói: Thay đổi môi trường làm việc để được nhìn nhận cuộc sống từ những khía cạnh, góc độ khác nhau, để thêm những trải nghiệm khác, đó cũng là việc đáng làm (Trả lời VNn-29-11-2010). Có thể thấy tâm trạng ông về ngả rẽ cuộc đời mình trong những câu thơ ông viết vào thời điểm trên: “Có một ngày/ Rời chậu cảnh, cây ra ngoài đất bãi/ Đất cằn hơn và bãi rộng hơn/ Có một ngày/ Không vui sướng cũng không ngần ngại/ Tôi rẽ vào ngả đời/ Gập ghềnh hơn mà thanh thản hơn…”. Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về ông Nguyễn Sự-Bí thư Thành ủy Hội An xin về hưu trước tuổi khiến nhân dân Phố cổ ngậm ngùi...
3- Trong dịp học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, liên hệ với thời cuộc hôm nay, mấy ông hội viên CCB già chúng tôi đã đọc cho nhau nghe các bài báo xưa. Về những trường hợp từ chức nói trên, ý kiến là rất khác nhau. Tranh luận thẳng thắn sôi nổi có lúc gay gắt cứ như khi còn đang tại ngũ. Xem vậy thấy các cụ còn nặng lòng với dân, với nước lắm. Để chứng minh cho ý kiến của mình, các cụ đưa ra cả kho tin tức trong luồng lẫn ngoài luồng. Cũng phải thôi, bởi hệ lụy diễn ra xung quanh chuyện chức quyền hôm nay đều liên quan, đều gợi nhớ đến xương máu đồng đội mình đã đổ xuống hôm qua.
Trở lại những trường hợp từ chức trên, dù là ý thức được trách nhiệm của mình mà từ chức hoặc tình thế buộc phải từ chức hoặc vì lý do riêng tư thì đều đáng trân trọng hoặc đáng ghi nhận. Bởi, miếng đỉnh chung khi có chức quyền thời buổi này nó to lắm. Mấy ai từ bỏ dễ dàng!
X.L