Từ câu chuyện ấm áp đầu xuân mới
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp công dân - CCB Phạm Sỹ Thu.
Trong những ngày làm việc đầu tiên của xuân Giáp Thìn, tại Trụ sở Bộ, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã chủ trì tiếp và lắng nghe, xem xét các phản ánh, kiến nghị của công dân theo định kỳ liên quan các lĩnh vực lao động, Người có công và xã hội.
Với tinh thần trách nhiệm, cầu thị, buổi tiếp công dân diễn ra trong không khí cởi mở, ấm áp. Nhiều công dân là CCB và gia đình Người có công đã tới mong được gặp lãnh đạo Bộ để đề đạt những thắc mắc, băn khoăn về chế độ chính sách đối với Người có công.
Lắng nghe ý kiến của công dân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Trên tinh thần không để công dân phải đi lại nhiều, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng trường hợp cần khẩn trương giải quyết dứt điểm các ý kiến, kiến nghị và thắc mắc của công dân”. Những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ, Bộ trưởng trả lời yêu cầu cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai nhiệm vụ, có trách nhiệm hướng dẫn cho địa phương và công dân hoàn thiện hồ sơ để sớm được hưởng chế độ chính đáng.
Hoàn cảnh của CCB Phạm Sỹ Thu, 92 tuổi, đến từ tỉnh Ninh Bình là một trong những trường hợp như thế. Ông từng 2 lần được nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Hơn 20 năm qua, con trai ông đã được hưởng chế độ cho con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Tuy nhiên, bản thân ông không được hưởng chế độ dành cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Nhiều năm qua, mong muốn được hưởng chế độ theo đúng quy định, ông đã có thắc mắc liên quan tới chính sách này nhưng chưa được giải quyết.
Sau khi tiếp nhận ý kiến của CCB Phạm Sỹ Thu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Trường hợp này đã rất rõ ràng. Ở đây, con được hưởng chế độ hơn 20 năm và nay vẫn đủ điều kiện được hưởng chế độ, không có lý do gì bố không được hưởng, vì tuổi trẻ đi chiến đấu ở vùng bị nhiễm chất độc hóa học, nên con mới được hưởng chế độ này. Với tinh thần công khai, minh bạch, Bộ LĐTBXH ghi nhận những đóng góp của ông với đất nước và thống nhất tạo điều kiện tối đa để ông có thể được hưởng đồng thời chế độ thương binh và chế độ dành cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học”.
Người CCB mái đầu bạc trắng xúc động bởi tâm nguyện bao năm đã được giải quyết, ông nói: “Bộ trưởng rất quyết đoán và công tâm. Đảng và nhân dân rất cần những cán bộ có tâm như thế”.
Tại buổi tiếp, trường hợp của bà Nguyễn Thị Tuyết Vân (trú tại tỉnh Quảng Bình) kiến nghị về giải quyết chế độ mai táng phí cho người được tặng thưởng Huân, Huy chương Kháng chiến cho thân nhân; bà Đào Thị Thân (trú tại Hà Nội) trình bày vướng mắc hồ sơ để hưởng chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong Quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương… Các kiến nghị đều được giải thích, hướng dẫn ân cần và đưa ra hướng giải quyết nhanh chóng, cụ thể.
Những năm qua, Bộ LĐTBXH có nhiều nỗ lực thực hiện tốt chính sách ưu đãi Người có công với cách mạng. Trong 7 năm, Bộ đã rà soát hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng qua tất cả các thời kì ở các địa phương, Bộ, ngành. Từ số lượng hồ sơ tồn đọng, đã xác nhận hơn 2.600 trường hợp liệt sĩ, chủ yếu trong kháng chiến chống Pháp. Người hy sinh lâu năm nhất là 93 năm đã được xác nhận liệt sĩ. Bên cạnh đó, cũng xác định hơn 2.500 hồ sơ là thương binh và người hưởng chính sách thương binh. Trong năm 2023, Bộ thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ cấp mới 187 bằng Tổ quốc ghi công; cấp lại 11.123 bằng Tổ quốc ghi công; cấp trích lục 200 hồ sơ liệt sĩ; tiếp nhận 3.475 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 160 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ để giám định ADN. Đầu năm 2024, Bộ có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với 133 trường hợp đủ điều kiện công nhận liệt sĩ theo quy định của pháp luật. Trong đó, có trường hợp liệt sĩ hy sinh năm 1948, cách đây đã 76 năm và có trường hợp liệt sĩ mới hy sinh năm 2023.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, còn tồn đọng một số hồ sơ người có công chưa được giải quyết, đòi hỏi các ngành chức năng nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tập trung giải quyết những tồn đọng chính sách, góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trong cộng đồng.
Mặt khác, hiện nay có hơn 1.400 văn bản liên quan đến chính sách Người có công được ban hành, bổ sung và hoàn thiện. Con số này góp phần khẳng định Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đặc biệt quan tâm tri ân những người đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Tuy nhiên, không phải công dân nào cũng cập nhật được đầy đủ các văn bản được ban hành. Vì vậy, nội dung các văn bản cần mạch lạc, cụ thể, dễ hiểu, bên cạnh đó cần đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền thường xuyên các chế độ, chính sách tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng, tránh những vướng mắc không đáng có.
Hồ Thanh Hương