Tự bảo vệ mình khi dùng thức ăn đường phố (09/07/2009)
Công việc bận rộn, gấp gáp làm cho cuộc sống của mỗi chúng ta phải tự điều chỉnh sinh hoạt cho phù hợp. Phải thừa nhận “thức ăn đường phố” là loại thực phẩm chế biến sẵn sàng phục vụ người tiêu dùng, nhưng nó lại chính là mối nguy hại tới sức khoẻ, tính mạng người sử dụng, thậm chí là tới cả cộng đồng.
Ngay từ sáng sớm, trên mọi nẻo đường, rất đông người giải quyết bữa sáng ở các quán vỉa hè. Từ các em học sinh, sinh viên đến các anh chị công nhân lao động, cán bộ, công chức... ai ai cũng thản nhiên ăn những món ăn mà họ thích: bánh cuốn, phở gà, phở bò, bún cá, bún móng giò, cháo lòng, tim, gan... Nhưng hầu như không ai để ý rằng có món được nấu từ hôm trước, người bán thì dùng tay bốc bún, bốc rau, bốc thịt rồi tiện tay thu tiền luôn.
Tất cả các quán ăn vỉa hè chúng tôi nhận thấy từ việc nhận tiền, trả tiền, bốc thức ăn, rửa bát, đều là công việc của chủ quán, nguy cơ ngộ độc từ “bốn trong một” việc này là rất cao. Đây là môi trường cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển như: tả, tiêu chảy, lỵ, lỵ trực tràng, thương hàn... chiếm trên 32% các vụ ngộ độc thực phẩm.
Đứng quan sát một hàng bánh cuốn tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy chúng tôi thấy chủ quán lấy khăn lau bàn, sau đó ngồi làm bánh, lấy nhân cho vào bánh tráng, cắt bánh và chả cho vào đĩa cho khách, tranh thủ khoắng một chồng bát đĩa trong chậu nước đục lờ... Tất cả những động tác này đều dùng bàn tay vừa cầm giẻ lau bàn. Nào đã hết, người ăn theo thói quen khi ăn xong rút một, hai tờ giấy ăn ra dùng, liệu giấy ăn đó có đảm bảo tiêu chuẩn khi mà mầu giấy thì nhờ nhờ, giấy không trắng, không dai.
ở bến xe phía Nam, giữa khói xăng, bụi của hàng trăm chuyến xe ra vào là hàng chục gánh hàng ăn vẫn được bày bán và khách hàng thì vẫn hồn nhiên ăn, không hề để ý gì đến những thức ăn mình đang ăn là mất vệ sinh hay không?
Chỉ mươi phút buổi sáng dạo quanh phố phường chúng tôi thấy rùng mình trước sự dễ dãi của người tiêu dùng với sức khoẻ của mình. Còn bữa trưa, bữa tối, chúng ta hãy cẩn thận hơn nữa khi lựa chọn cho mình những hàng ăn, những món đồ tươi ngon, để có bữa cơm gia đình an toàn vệ sinh.
Theo quy định của Bộ Y tế, thức ăn đường phố phải đảm bảo 10 tiêu chuẩn, đó là: Đủ nước sạch, có dụng cụ gắp thức ăn chín, không để lẫn thức ăn chín và sống; nơi chế biến thực phẩm phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm như cống rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán, gia súc gia cầm; người làm dịch vụ chế biến thức ăn phải được tập huấn kiến thức và khám sức khoẻ định kỳ, nhân viên đeo tạp dề, khẩu trang, mũ khi bán hàng; không sử dụng phụ gia và mầu thực phẩm; thức ăn phải được bày bán trên giá cao trên 60cm, phải được bày bán trong tủ kính và bao gói hợp vệ sinh; có dụng cụ đựng chất thải... Tuy nhiên, nếu xét theo 10 tiêu chí này thì có đến 90% hàng quán hiện nay vi phạm về VS ATTP.
Thức ăn đường phố và các hàng ăn rong là nét văn hóa riêng của cộng đồng người Việt. Nó phản ánh lối sống và sự phát triển của xã hội. Chính vì vậy cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp trong việc nâng cao ý thức của những cửa hàng kinh doanh thức ăn. Cùng với đó, người dân cũng phải nâng cao ý thức tham gia thực hiện bảo đảm VS ATTP, không ăn uống ở những cửa hàng, những gánh hàng rong không đảm bảo.
Thuý Hương