Từ 20/5, áp dụng mức phạt vi phạm giao thông nặng hơn (08/04/2010)
Tăng mức tiền phạt, tăng thêm quyền xử phạt cho các cơ quan chức năng và bổ sung thêm một số hành vi bị coi là vi phạm, áp dụng thí điểm chế tài mạnh hơn đối với một số vi phạm trong khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt... là những nội dung đổi mới của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành. Về cơ bản, Nghị định mới quy định chế tài mạnh hơn đối với các vi phạm nhằm tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, tăng cường việc đảm bảo an toàn giao thông đường bộ.
Tăng mạnh mức phạt vi phạm Hành vi người điều khiển ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông ( vượt đèn đỏ chẳng hạn), bị phạt từ 600.000 – 800.000 đồng, trong khi mức phạt trước đây chỉ từ 200.000 – 400.000 đồng. Cũng với vi phạm này, mức phạt đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy giữ nguyên so với trước ( từ 100.000 – 200.000 đồng ). Theo quy định trước, người điều khiển xe mô tô không mang theo giấy đăng ký xe hoặc giấy phép lái xe hay không có giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực bị phạt từ 40.000-60.000 đồng. Nay, người điều khiển mô tô bị phạt 60.000-80.000 đồng nếu không mang theo giấy đăng ký xe hoặc giấy phép lái xe. Bị phạt nặng hơn, từ 80.000 – 120.000 đồng, nếu không có hoặc không mang giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực. Một trong những điểm mới của Nghị định này là việc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy định khi tham gia giao thông cũng bị phạt (100.000 – 200.000 đồng), tuy nhiên với trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi không đội mũ bảo hiểm hay đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách thì không phạt. Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ không cài quai đúng cách cũng bị phạt, từ 100.000 – 200.000 đồng. Đối với người điều khiển xe mô tô bị phạt đến 200.000 đồng nếu chở thêm 2 người, trừ trường hợp chở người bệnh cấp cứu, trẻ em dưới 14 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật. Mức phạt này đã tăng gấp đôi so với quy định trước đây và độ tuổi trẻ em được chở kèm trước kia là từ 7 tuổi trở xuống, nay là 14 tuổi trở xuống. Đối với người điều khiển xe ô tô mà chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước; quay đầu xe tại nơi cấm quay đầu xe, trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường, bấm còi, rú ga liên tục hoặc bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong khu đô thị ... sẽ bị phạt tới 500 ngàn đồng, cao hơn 2,5 lần so với mức phạt cũ là 200 ngàn đồng. Nghị định cũng quy định mức phạt tới 1 triệu đồng đối với các hành vi tụ tập để cổ vũ, kích động hành vi điều khiển xe máy quá tốc độ quy định hoặc đua xe trái phép. Thí điểm chế tài mạnh hơn đối với đô thị loại đặc biệt So với trước, Nghị định có thêm Mục 7, Chương II với nội dung quy định “Áp dụng thí điểm đối với một số vi phạm trong khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt”. Theo Bộ Giao thông vận tải, Mục này viện dẫn một số hành vi vi phạm phổ biến mà người tham gia giao thông thường mắc phải và có nguy cơ cơ gây mất an toàn giao thông, ùn tắc giao thông nghiêm trọng ở khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt (như không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ, dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe không đúng quy định, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, sử dụng rượu, bia quá nồng độ cồn cho phép…) để quy định áp dụng thí điểm mức phạt riêng cao hơn so với mức quy định chung từ 40 – 200%. Đô thị loại đặc biệt là TP trực thuộc Trung ương có các quận nội thành, huyện ngoại thành và các đô thị trực thuộc, có quy mô dân số toàn đô thị từ 5 triệu người trở lên, mật độ dân số khu vực nội thành từ 15.000 người/km2 trở lên… Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là đô thị loại đặc biệt. Chẳng hạn, người điều khiển ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, bị phạt từ 600.000 – 1 triệu đồng (mức chung là 600 ngàn – 1 triệu đ), đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định bị phạt 1 – 1,4 triệu (mức chung là 600 – 800 ngàn đ)… Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, điều khiển xe chạy tốc độ thấp mà không đi bên phải phần đường xe chạy gây cản trở giao thông bị phạt từ 300 – 500 ngàn đồng (mức chung là 100 – 200 ngàn đồng). Theo Nghị định này, các quy định tại Mục 7 nêu trên được thực hiện thí điểm trong thời gian 36 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực. UBND các thành phố là đô thị loại đặc biệt quy định cụ thể phạm vi khu vực nội thành để thực hiện việc thí điểm. Hàng năm, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, UBND các thành phố là đô thị loại đặc biệt báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện thí điểm; kết thúc thời hạn thí điểm, tổ chức tổng kết đánh giá việc thực hiện thí điểm báo cáo báo Chính phủ đề xuất chủ trương thực hiện tiếp theo. Xe khách sang nhượng khách bị phạt gấp 4 lần mức cũ Trước đây, phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng trên mỗi hành khách vượt quá quy định được phép chở của phương tiện (trừ xe buýt) đối với hành vi chở quá từ 2 người trở lên trên xe đến 9 chỗ ngồi, chở quá từ 3 người trở lên trên xe 10 chỗ ngồi đến xe 15 chỗ ngồi, chở quá từ 4 người trở lên trên xe 16 chỗ ngồi đến xe 30 chỗ ngồi, chở quá từ 5 người trở lên trên xe trên 30 chỗ ngồi, nay mức phạt tăng lên từ 200-300 ngàn đồng. Hành vi sang nhượng khách dọc đường cho xe khác mà không được khách đồng ý... trước đây chỉ bị phạt đến 500.000 đồng, theo quy định mới, hành vi này bị phạt tới 2 triệu đồng. tức là gấp 4 lần mức phạt cũ. So với trước đây, tại Nghị định mới bổ sung thêm 2 hình thức xử phạt là: “Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra” và “Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất phương tiện”. (Nguồn: Nghị định số 34/2010/NĐ-CP)
A Hoàng