Truyền thống múa rối nước Hồng Phong
Múa rối nước truyền thống Hồng Phong có từ lâu đời. Qua những bức chạm khắc trên đình làng, có thể phỏng đoán rối nước Hồng Phong có từ thế kỷ XVII, bởi có nhiều bức chạm khắc các nhân vật rối nước như tiên nữ, tễu giáo đầu, tễu vuốt râu rồng, tễu leo cột...
Từ xưa, múa rối nước Hồng Phong chủ yếu diễn xướng trong những dịp hội làng, lễ, tết. Nghệ thuật truyền thống này tại đây đã có những thời kỳ hưng thịnh, các nghệ nhân múa rối nước Hồng Phong truyền nghề cho các phường rối nước Nguyên Xá (Thái Bình), Lý Nhân (Hà Nam). Ở Hồng Phong nhiều nghệ nhân có đôi bàn tay vàng, tự tạo ra các con rối phục vụ biểu diễn. Đặc biệt là tạo được các chú tễu biết quay đầu qua lại, giơ tay chỉ trỏ; các cô tiên bưng trầu mời khách; rùa vàng ngậm khói lặn sâu trong nước rồi bất ngờ nhô lên phun ra khói xanh, đỏ, tím, vàng; đôi ngựa sóc phi giao đấu múa tít quay cuồng không phân thắng bại; cờ lọng từ dưới nước tung lên bay phần phật trong gió...
Hiện nay nghệ thuật múa rối nước Hồng Phong được tỉnh Hải Dương rất quan tâm phát triển, được kết nạp vào Hiệp hội Múa rối nước Việt Nam (UNIMA) năm 1994. Ngoài các tích trò truyền thống, các nghệ nhân đã đầu tư dàn dựng các vở rối nước mới hiện đại; các tích trò phong phú, hấp dẫn người xem, đặc biệt là các cháu thiếu nhi và khách nước ngoài muốn đến du lịch tìm hiểu văn hóa truyền thống Việt Nam.
Thu Thảo