Trường Sa, mùa biển lặng (04/05/2012)

Những ngày cuối tháng tư này, Đảng uỷ khối các cơ quan T.Ư và đại biểu hơn 30 cơ quan bộ, ngành cùng đại biểu chính quyền, nhân dân TP Đà Nẵng phối hợp với Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức Đoàn cán bộ đi thăm, tặng quà quân, dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Cơ quan T.Ư Hội CCB Việt Nam cử đồng chí Nguyễn Chi Phan, Phó tổng biên tập Báo CCB Việt Nam tham gia đoàn.

Cuộc đi thăm của đoàn nhằm tìm hiểu tình hình kinh tế - xã hội, động viên cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ vùng biển, vùng trời, hải đảo của Tổ quốc; góp phần thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Từ thực tế cuộc sống vật chất, tinh thần và nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của bộ đội, đoàn tiếp tục tham mưu với Đảng, Nhà nước, quân đội thúc đẩy mạnh mẽ việc thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, phát triển kinh tế biển; tạo điều kiện ngày càng tốt hơn đời sống, sinh hoạt của quân dân trên đảo; góp phần bảo vệ vững chắc biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Hơn nữa, qua chuyến thăm, đoàn sẽ tích cực tham gia tuyên truyền các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa và có những việc làm thiết thực về vấn đề này.

Trước khi tàu HQ 996 đưa đoàn tới thăm, tặng quà các đảo: Trường Sa, Trường Sa Đông, Phan Vinh, Thuyền Chài, Núi Le, Tốc Tan, Đá Lát, Đá Tây, Dàn DK1/14, tàu dừng lại ở khu vực đảo đá Len Đao, Cô Lin để làm lễ mặc niệm, thả hoa xuống biển, tưởng nhớ 64 cán bộ, chiến sĩ của các tàu HQ 505, HQ 604, HQ605 thuộc Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 146 và Trung đoàn công binh 83 hải quân. Các anh đã kiên cường, dũng cảm trong trận chiến đấu không cân sức với đối phương, nêu cao bản lĩnh trí tuệ, khí phách Việt Nam, với khẩu hiệu: “Chủ quyền Tổ quốc là trên hết, không được lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, kiên quyết chiến đấu và chấp nhận hi sinh…”.

Sự kiện ngày 14-3-1988 còn in mãi trong tâm trí mỗi người dân yêu nước Việt Nam. Thiếu úy trẻ Trần Văn Phương cùng đồng đội chốt giữ bãi đá Gạc Ma, đã dũng cảm kiên quyết chống trả đối phương; ôm chặt lá quốc kỳ, biểu tượng chủ quyền Tổ quốc. Đối phương bất chấp lẽ phải và công lý, liều lĩnh nổ súng vào các chiến sĩ ta. Trần Văn Phương và 63 đồng chí khác đã anh dũng hi sinh. Xương máu của 64 anh hùng, liệt sĩ đã hòa quyện với mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc. Các anh đã làm đúng lời dạy của tiền nhân: Những đất đai, hương hoả của ông cha ta, dù chỉ có đá sỏi, cây cằn, chúng ta cũng quyết giữ gìn, dù có phải đổi bằng tất cả xương máu…

Gần một phần tư thế kỷ qua, các anh ra đi để Trường Sa trường tồn và phát triển mãi mãi. Giờ đây, đảo Trường Sa được mệnh danh là “Thủ đô của huyện đảo Trường Sa”, đang đổi mới từng ngày. Nắng tháng tư trong suốt, rải đều lên cây xanh mỡ màng trên đảo: cây phong ba, cây bàng vuông, cây phi lao, cây muống biển. Đặt chân lên mảnh đất thân thương này, đoàn được chứng kiến cuộc diễu binh nghiêm trang, khoẻ, đẹp của bộ đội hải quân, không quân dưới chân cột mốc chủ quyền; được bộ đội và bà con trên đảo đứng thành hàng, hân hoan chào đón khách như đón người thân từ đất liền ra.

Chia thành nhiều mũi, đoàn tỏa đi thăm một số công trình quân sự kiên cố, vững chắc của các cụm; thăm khách sạn Thủ đô; thắp hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Đài liệt sĩ, chùa Trường Sa. Nhà sư trụ trì ở đây là Đại đức Thích Ngộ Thành. Ngày đêm, Đại đức hương khói, cầu mong quốc thái dân an, đảo Trường Sa, trung tâm hành chính của huyện luôn luôn trụ vững trên biển Đông. Nhiều năm qua và hiện nay, ngư dân các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi… mỗi khi xa bờ, ra khơi sản xuất, bất ngờ có gió bão, đau ốm đều vào Trường Sa tạm lánh, cấp cứu, điều trị, tiếp nhận nước ngọt, lương thực, thực phẩm và rau xanh. Trong tương lai, đảo có thể trở thành trung tâm cung ứng dịch vụ nghề cá, cảng biển. Trong số hộ ra Trường Sa sinh sống, có nhiều gia đình làm nghề biển; họ đang được Nhà nước và Quân chủng Hải quân giúp đỡ về mọi mặt.

Đến thăm khu tập thể của bà con, đoàn thấy các căn hộ được xây cất khang trang; có đủ tiện nghi sinh hoạt như ti vi, đài, bàn ghế, giường, tủ…

Gia đình cô giáo Bùi Thị Nhung ở đầu khu; chồng là anh Đặng Thanh Chương làm công nhân viên, phục vụ bộ đội. Cô đã có hai cháu nhỏ, một gái, một trai. Bùi Thị Nhung quê ở xã Cam Hải, huyện Cam Lâm, thị xã Cam Ranh. Cô vận động chồng tình nguyện ra đảo phục vụ. Hằng ngày, Bùi Thị Nhung phải làm năm giáo án, dạy các cháu từ lớp 1 đến lớp 5. Đã công tác ở đảo Trường Sa hơn 4 năm, cô xin với trên, sẵn sàng cùng gia đình ở lại công tác thêm dăm năm nữa. Nhiều thành viên trong đoàn rất xúc động trước tấm lòng yêu nước, mến trẻ của Bùi Thị Nhung.

Và xúc động nhất là buổi gặp gỡ giữa đoàn với quân và dân trên đảo Trường Sa. Trước bộ đội hải quân, bộ đội không quân, ra đa, đại diện trạm khí tượng thủy văn, trạm hải đăng, các ban, ngành đoàn thể, chính quyền huyện Trường Sa và đông đảo bà con trên đảo, đồng chí Trưởng đoàn Nguyễn Hải Đường, Phó bí thư Đảng uỷ khối các cơ quan T.Ư vô cùng xúc động trước sự đổi thay lớn lao về con người, cảnh vật ở thị trấn cũng như sự đón tiếp nồng hậu, chân thành của quân dân nơi đây. Qua đó, mọi người càng tự hào, tin tưởng ở lực lượng tiền tiêu, dù bất cứ trong hoàn cảnh nào, cũng luôn luôn đoàn kết, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu đến cùng, bảo vệ biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Đồng chí Đinh Gia Thật, Chuẩn đô đốc, Phó bí thư Đảng ủy Quân chủng Hải quân, Phó trưởng đoàn chỉ đạo các đơn vị lần lượt tặng quà quân và dân huyện đảo Trường Sa. Thượng tá, đảo trưởng Đinh Văn Hải; chính trị viên đảo, thượng tá Nguyễn Văn Trung và đảo phó, trung tá, Nguyễn Văn Hiến… rất xúc động trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các đại biểu trong đoàn đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa.

Đồng chí Nguyễn Chi Phan, đại diện Cơ quan T.Ư Hội CCB Việt Nam trân trọng tặng quà, sách báo và chiếc biểu trưng, khắc dòng chữ:

“Cơ quan T.Ư Hội CCB Việt Nam, kính tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo Trường Sa”.

Thượng tá, chính trị viên Nguyễn Văn Trung vô cùng xúc động, siết chặt tay đồng chí Chi Phan, nói: “Thời gian qua, nhiều đoàn ra thăm quần đảo Trường Sa, có một số thành viên là CCB, nhưng với danh nghĩa khác. Lần này, quân dân Trường Sa được trực tiếp đón nhận tình cảm thăm hỏi, động viên sâu sắc của cơ quan T.Ư Hội CCB Việt Nam. Chúng tôi coi đây là tấm lòng của những người đi trước, của các bậc cha anh, từng cầm súng chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc trên khắp các chiến trường. Giờ đây trong hòa bình, các CCB đang tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong đời sống, sản xuất và xây dựng. Toàn bộ quân dân trên quần đảo nguyện lòng noi theo các CCB, tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; xứng đáng danh hiệu Anh hùng LLVTND được Đảng, Nhà nước phong tặng vào ngày 29-8-1985.

Giờ phút chia tay quân dân thị trấn huyện đảo Trường Sa đã tới. Chủ và khách ai nấy siết chặt tay, ôm hôn nhau thắm thiết. Các chị, các em bé, học sinh của cô giáo Bùi Thị Nhung nước mắt lưng tròng, giơ tay vẫy vẫy đoàn đại biểu ra tàu, tiếp tục cuộc hành trình đến thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ ở 13 điểm đảo khác, trải dài hơn 1.100 hải lý (gần 2.000km), trong mùa biển lặng.

Qua đó, các thành viên trong đoàn càng thấy và cảm nhận rõ hơn, quân dân quần đảo Trường Sa, vượt lên những khó khăn, thử thách, đoàn kết, lạc quan; biểu hiện ý chí quyết tâm, trách nhiệm rất cao trong việc gìn giữ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

Chi Phan