Trường hợp một cuốn sách chép tay (18/11/2009)

Mùa Đông năm 1953, sau thời gian tập luyện ở vùng Nghi Lộc, Nghệ An, đơn vị tôi được lệnh hành quân vào chiến trường Bình - Trị - Thiên. Khi ấy tôi là liên lạc viên đại đội 80 tải thương, trung đoàn 18, đại đoàn 325, được giao đi theo anh Nguyễn Quang Diệu, chính trị phó đại đội vừa từ ban chính trị trung đoàn tăng cường xuống.

Anh Diệu quê ở làng Hòa Ninh, Quảng Trạch, Quảng Bình. Tôi và anh cùng tòng quân khi đang học trung học, rất ham thơ văn. Mặc dầu là cấp trên, nhưng đối với tôi, anh sống cởi mở, dễ gần.

Những năm đó, bộ đội còn đói sách báo, cả trung đoàn chỉ có một quyển “Luyện thành gang thép”. Biết loại sách cần cho chiến sĩ, anh Diệu đã nhanh tay mượn của Ban tuyên huấn và dành nhiều đêm trên đường hành quân chép lại.

Hằng ngày bộ đội hành quân từ 4 giờ chiều đến 10 giờ đêm. Trừ thời gian đi đường, anh Diệu dành tất cả cho việc chép sách. Đến ở nhà dân, không có bàn ghế, chỉ một tấm ván nhỏ, thậm chí chiếc ba lô cũng trở thành giá viết. Nhiều đêm đã rất khuya, tôi tỉnh dậy, vẫn thấy anh miệt mài bên ngọn đèn dầu lạc, tiếng ngòi bút chạy lạo xạo trên giấy nứa. Có những sáng thức dậy, thấy cạnh cuốn sách còn để mở chưa ráo mực là đĩa khoai luộc còn nóng, anh bảo tôi: “Khoai chủ nhà cho, mình ăn rồi, còn để dành cho An đó”. Tôi vừa ăn khoai vừa cảm động nhìn đôi mắt thâm quầng của anh, biết đêm qua anh không chợp mắt.

Vào đến vùng Tuyên Hóa, Quảng Bình cửa ngõ mặt trận, anh Diệu đã chép xong những dòng cuối cùng của cuốn truyện dày khoảng 400 trang, bằng giấy bình dân màu vàng nhạt, chữ tròn nét hơi nghiêng, dễ đọc, trang đầu ghi chữ lớn hơn “Luyện thành gang thép”. (Sau này dịch là “Thép đã tôi thế đấy”).

Trao cuốn sách cho tôi, anh nói giọng thật vui và thân thiết:

  • An ạ! Công việc của mình thế là xong, bây giờ đến lượt cậu, là chiến sĩ văn nghệ đại đội, mình ưu tiên cậu đọc trước, rồi kể cho bộ đội nghe.

Tôi rất vui vì lần đầu tiên được giao một công việc hợp với mình. Từ đó cuốn “Luyện thành gang thép” chép tay trở thành người bạn thân thiết của tôi. Đêm đêm, trên mỗi chặng đường hành quân, những đêm mưa dầm ra trận, những giờ sinh hoạt đơn vị giữa rừng khuya, tôi kể cho cả đại đội nghe chuyện Pa-ven Coóc-sa-ghin chiến thắng bệnh tật, chuyện tình yêu của anh với cô Tô-nhi-a. Chuyện anh Diệu kiên nhẫn chép lại mấy trăm trang sách trong những ngày đi đường đầy gian khổ, nhanh chóng lan ra toàn trung đoàn. Các chiến sĩ coi đó là một việc đáng khâm phục. Cuốn sách đã tiếp thêm sức sống cho đơn vị. Nhiều chiến sĩ chép vào sổ tay, rồi học thuộc lòng câu nói của Pa-ven. “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho ra sống, để khi nhắm mắt xuôi tay, không ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí…”. Cánh lính trẻ chưa vợ thì nhập tâm câu Pa-ven nói với Tô-nhi-a: “Cô dám yêu một chiến sĩ cộng sản, nhưng không dám yêu lý tưởng chiến đấu của họ”.

Trận đánh đồn chợ Do (Quảng Trị), anh Diệu bị thương nặng trong khi dẫn một trung đội chi viện cho bộ binh vào phút quyết định. Trước lúc tắt thở, anh dặn lại tôi: “Nhớ giữ gìn cuốn sách anh đã chép, tiếp tục đọc cho bộ đội nghe”.

Tôi đau đớn vĩnh biệt anh Diệu. Vĩnh biệt người đồng đội, người anh thân thiết.

Đầu xuân năm 1954.

Đơn vị tập kết ở vùng Kim Đâu (Gio Linh, Quảng Trị). Chúng tôi được lệnh gửi lại nhà dân những tư trang không cần thiết để chuẩn bị làm nhiệm vụ đặc biệt. Tôi ở trong gia đình một cán bộ địa phương. Cô con gái chủ nhà chừng 18 tuổi tên là Hồng, rất quý bộ đội, ham đọc sách. Thấy tôi nhiều lúc ngồi thẫn thờ, với một cuốn sách chép tay, giở chậm từng trang mà không đọc, cô hỏi:

  • Anh chép cả cuốn truyện dày thế này à? Chắc câu chuyện hay lắm anh nhỉ?

  • Không phải tôi đâu.

Tôi buồn bã trả lời.

  • Người làm việc đó là anh Diệu, cán bộ của đại đội, anh ấy hy sinh cách đây ba hôm.

Lặng đi một lúc, mắt rớm lệ, Hồng đón lấy cuốn sách, thốt lên:

  • Thế à anh! Chả trách em thấy anh buồn.

Rồi cô lặng lẽ, lấy một tờ giấy đỏ, cẩn thận bọc ngoài cuốn sách, trân trọng đặt lên bàn thờ. Cô đốt một nắm hương, đưa cho tôi cùng cắm lên để tưởng nhớ người đã khuất và nói trong xúc động.

  • Ta thắp hương cho anh Diệu anh nhé, coi như cúng ba ngày anh ấy.

Những ngày sau đó, đêm đêm bên bếp lửa thơm mùi sắn nướng, tôi ngồi kể chuyện về anh Diệu và đọc chuyện cho Hồng nghe. Một lần, cô gái đột nhiên hỏi:

  • Khi nào anh đi, hãy để lại cuốn sách này cho em, để cho gia đình em thờ anh Diệu được không anh?

Kỷ vật quý, đồng đội hy sinh để lại tôi muốn mang theo đi khắp nẻo đường chiến đấu, nhưng trước mong muốn cao đẹp, cử chỉ cảm động của Hồng, khiến tôi phải suy nghĩ. Tôi nhìn lên bàn thờ phảng phất khói hương. Hiện vật bọc trong tờ giấy đỏ ấy trở nên thiêng liêng gấp bội. Không trả lời cô gái, nhưng tôi đã nghĩ là không thể chối từ.

Đơn vị bí mật xuất phát vào một đêm không trăng sao. Trước đó mấy phút, tôi lặng lẽ đến bên bàn thờ, nhìn cuốn sách lần cuối như để chia tay với những gì thân thiết của mình, đặt mẩu giấy nhỏ vào trang sách còn đọc dở tối hôm trước. Trong đó tôi ghi mấy chữ: “Hãy đọc tiếp những trang anh chưa kịp đọc cho Hồng nghe”.

Trung đoàn tiếp tục tấn công các đồn địch dọc đường số 9, như Cà Lu, Rào Quán, Lao Bảo, Khe Sanh mở đường sang làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào.

Sau tháng 7 năm 1954, tôi cùng đơn vị hành quân theo quốc lộ số 8 về nước. Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, vùng Kim Đâu, Gio Linh, Quảng Trị thân thuộc của tôi đã thuộc về phía bên kia.

Hơn 50 năm qua, dẫu không có điều kiện thăm lại chiến trường xưa, nhưng tôi luôn nhớ về vùng đất ấy, nơi anh Diệu hy sinh, để lại cho tôi một kỷ vật thiêng liêng và sau đó tôi đã trao nó cho một nữ chiến sĩ du kích vào một đêm ra trận.

Đọc báo Văn nghệ số 51 ngày 17-12-1994, bài “Mãi mãi cùng anh hành quân” của tác giả Lê Sơn, viết chuyện một chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã gửi tặng bảo tàng Nhi-cô-lai Ô-xtrốp-xki cuốn sách chép tay “Thép đã tôi thế đấy”, làm tôi nhớ lại kỷ niệm sâu sắc của đời mình trong những tháng năm đi đánh giặc như đã kể ở trên. Tôi cứ nghĩ biết đâu cuốn sách đang ở bảo tàng N. Ô-xtrốp-xki chẳng chính là cuốn sách mà anh Diệu đã chép?

Tháng 9-2009

Hồi ức của Vũ An