Trung tướng Phạm Hồng Cư: Anh tôi hy sinh ngay trước giờ chiến thắng
Trung tướng Phạm Hồng Cư (bên phải) và tác giả.
Hằng năm, cứ đến độ cuối Xuân, đầu Hạ, bao kỷ niệm về Điện Biên lại trào dâng trong lòng một Lão tướng đã ngoài tuổi chín mươi. 65 năm trôi qua nhưng ký ức về Chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ấy luôn mang đến cho ông những cung bậc cảm xúc sâu sắc. Vui, buồn, tự hào rồi trăn trở… Ông mong muốn thế hệ hôm nay và mai sau hiểu rõ, thấm sâu và phát huy được giá trị lịch sử to lớn của Chiến thắng đó. Ông là Trung tướng Phạm Hồng Cư - nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, QĐND Việt Nam; trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Phó chính ủy Trung đoàn 36, Đại đoàn 308.
Đến thăm ông vào trung tuần tháng tư này, chúng tôi được nghe ông hào hứng kể nhiều chuyện về Chiến thắng Điện Biên Phủ. Khi được hỏi về người anh trai đã chiến đấu và hy sinh ở Điện Biên năm ấy, giọng ông chợt trầm xuống:
- Đúng vậy, đó là người anh cả của tôi, tên là Lê Đỗ Khôi, tôi là thứ hai tên là Lê Đỗ Nguyên. Đi bộ đội, tôi vào Tiểu đội mang tên Phạm Hồng Thái nên cả tiểu đội đổi họ thành Phạm Hồng, tôi đổi tên từ đó. Ở chiến dịch Điện Biên, anh tôi ở Đại đoàn 312 đánh từ phía bắc xuống, còn Đại đoàn 308 chúng tôi đánh từ hướng tây.
Qua lời kể chứa đầy sự quý trọng của ông về anh trai mình, chúng tôi biết, ông Khôi là người điềm đạm, thương yêu các em hết mực và là một cán bộ tận tâm với công việc. Các ông đều thoát ly gia đình ngay sau Cách mạng Tháng Tám. Từ ngày toàn quốc kháng chiến, ông Khôi chưa có dịp về thăm nhà; ông có yêu một cô gái người Phú Thọ và hẹn nhau sau ngày chiến thắng sẽ về làm lễ cưới. Là Chính trị viên tiểu đoàn nên mỗi lần gặp người em trai cũng là cán bộ chính trị, cùng với những chuyện riêng tư, hai ông thường hay trao đổi với nhau kinh nghiệm công tác Đảng, công tác chính trị ở đơn vị như giảng bài chính trị, công tác cán bộ, kinh nghiệm xây dựng tổ chức Đảng… Trong một cuộc họp của Bộ tại Chiến dịch trước khi vào trận, hai anh em gặp nhau, ông Khôi có hẹn: “Khi chiến thắng thì hai anh em mình gặp nhau ở hầm Đờ Cát nhé”.
Chiều 7-5, đơn vị ông đánh từ hướng Tây vào, các hướng tiến quân dần áp sát trung tâm cứ điểm, khói lửa nhạt dần, những miếng vải trắng treo trên đầu súng giơ lên vẫy vẫy từ phía chiến hào quân địch xin đầu hàng ngày càng nhiều. Khi đã vào gần lắm, thấy được đơn vị bạn xông vào đánh chiếm và cắm cờ trên nóc hầm Đờ Cát ông mừng vô kể và chợt nhớ tới lời hẹn gặp nhau của anh trai, lòng tràn đầy hy vọng. Ông bồi hồi kể lại:
- Hôm chiến thắng, tôi chờ suốt đêm trong hầm Đờ Cát nhưng không thấy ông anh đến - Giọng vị Tướng già như chùng xuống hơn - sáng hôm sau, tôi đi ngược lại con đường mà Đại đoàn 312 tiến quân thì gặp được Chính ủy Trung đoàn 165 là anh Khánh, bạn học với tôi ở Trường Bưởi. Tôi hỏi thăm, anh Khôi có hẹn gặp tôi ở hầm Đờ Cát mà tôi đợi suốt đêm qua không thấy ông ấy đến. Vậy giờ anh tôi đang ở đâu? Ông Khánh nắm lấy tay tôi, nước mắt trào ra và bảo: “Anh cậu hy sinh rồi, chỉ mấy tiếng đồng hồ trước khi thắng lợi thôi”. Tôi cũng trào nước mắt và đứng lặng yên, nắm chặt tay anh Khánh.
Liền đó ông được nghe ông Khánh kể về trận đánh cuối cùng của ông Khôi. Đó là trận ông Khôi chỉ huy tiểu đoàn đánh Đồn 506 thì bị thương. Đơn vị đưa ra Đội điều trị ở phía bắc, đến gần cứ điểm cũ là Him Lam thì máy bay địch ném bom, cả đoàn tải thương tan tác, ông Khôi hi sinh cùng một số đồng chí khác. Sau này ông Cư phải nhờ Đại đoàn 312 quy tập về Nghĩa trang Đồi A1, tại đó hiện có bia khắc tên liệt sĩ Lê Đỗ Khôi.
Kể xong câu chuyện, vị Tướng già trầm ngâm chiêm nghiệm:
- Sau đó tôi nghĩ rằng, tâm trạng của người lính chiến trường bên cạnh niềm vui chiến thắng đi liền với niềm thương tiếc những người đồng đội, người thân đã hi sinh. Điều này khác với hậu phương bởi ở hậu phương, khi liên hoan chiến thắng thật tưng bừng còn thăm viếng liệt sĩ là một cuộc khác. Còn ở người lính chiến trường, hai cái đó nó nhập với nhau. Cùng một lúc, vừa mừng vui, vừa đau khổ.
Âu cũng là tâm trạng chung của biết bao người lính được đón mừng chiến thắng ngay tại chiến trường mà mừng vui luôn đi liền với khổ đau vì nỗi tiếc thương những người thân, người đồng đội đã hy sinh. Và chính họ là những người hiểu và cảm rõ nhất cái giá của chiến thắng.
Bài và ảnh: Vũ Quang Huy