Trung thực, không trục lợi gói cứu trợ 26.000 tỷ đồng: Cùng chung tay “Bắc cầu qua dòng nước xiết”
CCB Hoàng Đình Kiển (tổ dân phố 9, phường Tân Thanh, T.P Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) tự nguyện viết đơn từ chối nhận tiền hỗ trợ người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 để giúp đỡ cho người gặp khó khăn hơn.
“Người dân Việt Nam không nên nhìn nhận các gói hỗ trợ kinh tế như Nghị quyết số 68-NQ/CP trên khía cạnh chi phí, mà nên coi đó chính là sự đầu tư - là chiếc cầu bắc qua dòng nước xiết, giúp bình ổn nền kinh tế, giúp các gia đình không bị rơi vào nghèo khó, giúp đất nước hồi phục nhanh hơn và mạnh mẽ hơn từ cơn bão Covid-19 này” - đây là nhận định của ông André Gama - chuyên gia phụ trách chương trình về an sinh xã hội của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ Việt Nam triển khai từ đầu tháng 7.
ILO đánh giá các gói hỗ trợ kinh tế của Chính phủ đang đi đúng hướng trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn tiến phức tạp. Trong đó, Nghị quyết 68-NQ/CP là bước đi quan trọng hướng tới mở rộng độ bao phủ, tăng cường hiệu quả các gói hỗ trợ của Chính phủ bằng cách thêm nhóm lao động được nhận hỗ trợ, giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính.
Khắc phục những hạn chế trong triển khai gói 62.000 tỷ đồng an sinh (chỉ giải ngân được hơn 13.100 tỷ đồng, đạt 22% sau hơn 1 năm thực hiện), Bộ LĐTBXH đã đưa ra những giải pháp để gói hỗ trợ lần hai 26.000 tỷ đồng đến tay người lao động, doanh nghiệp nhanh hơn trong lúc cần nhất, đặc biệt gỡ “nút thắt” thủ tục cho vay và điều kiện nhận.
Tại Việt Nam, tỷ lệ lao động phi chính thức trong lực lượng lao động ở mức cao (71%, bao gồm cả lao động trong ngành nông nghiệp) đặt ra một thách thức lớn khi thiết kế và thực hiện các gói hỗ trợ liên quan đến Covid-19. Do nhiều người lao động không được ghi nhận trong các hệ thống dữ liệu chính thức, dẫn đến thiếu cơ sở, gây khó khăn trong lập danh sách hỗ trợ đối với nhóm đối tượng lao động tự do, người lao động làm việc trong doanh nghiệp nhưng không có hợp đồng, hộ kinh doanh. Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát ở nước ta khiến hàng triệu doanh nghiệp, người lao động rơi vào cảnh “kiệt quệ”.
Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng trước đây có những tiêu chí chặt chẽ, nhiều thủ tục, thời gian xem xét có khi kéo dài cả tháng. Nhưng với chính sách hỗ trợ mới, chỉ trong tối đa 7 ngày, tiền hỗ trợ sẽ đến tay người dân với tinh thần “nhanh ngày nào tốt ngày đó”. Bộ trưởng LĐTBXH Đào Ngọc Dung khẳng định: Các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP sẽ được thực hiện công khai, minh bạch. Cơ quan hay tổ chức cá nhân nào chậm triển khai là có lỗi với dân; để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách là có tội với dân.
Để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế, lần hỗ trợ này tập trung vào hai đối tượng là người lao động và người sử dụng lao động. Thủ tục chính sách ở gói hỗ trợ này giảm tới 2/3 so với lần đầu như: giảm thời gian tạm hoãn, nghỉ việc không hưởng lương xuống còn 15 ngày; bỏ quy định doanh thu kê khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm đối với các hộ kinh doanh, chỉ quy định dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên; giảm điều kiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất từ 50% lao động xuống còn 15% lao động…
Ngoài ra, Nghị quyết 68/NQ-CP bổ sung nhiều chính sách mới như: giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ trẻ em, lao động đang mang thai, đang nuôi con nhỏ; hỗ trợ đối với người phải điều trị Covid-19 (F0) và người phải thực hiện cách ly y tế (F1)...
Việc đơn giản thủ tục là để cho người dân và doanh nghiệp được tiếp cận chính sách nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, đây là chính sách có đối tượng rất lớn và đa dạng, kinh phí nhiều, mang tính khẩn cấp nên việc giải ngân cần gắn với trách nhiệm của các Bộ, ngành và các địa phương, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu. Ngoài ra, mỗi người dân cũng cần nêu cao tính tự giác, trung thực để giảm bớt gánh nặng, tạo điều kiện giúp cơ quan chức năng làm việc hiệu quả, trên tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, để những người thực sự gặp khó khăn hơn mình kịp thời nhận được hỗ trợ.
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tinh thần đoàn kết, cùng chung sức, đồng lòng của toàn xã hội, chúng ta tin tưởng gói hỗ trợ lần này sẽ tiếp sức cho người dân, cho doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn khôi phục sản xuất và hỗ trợ cho nguồn lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm và trong những năm tới.
Hồ Thanh Hương