Trung Quốc ngoan cố, ngang ngược mở rộng vành đai bảo vệ giàn khoan, ASEAN ra tuyên bố

BCCBVN-Sáng 10/5, lực lượng kiểm ngư Việt Nam cho hay Trung Quốc tiếp tục gia tăng các hoạt động ngang ngược bảo vệ giàn khoan HD-981 đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam.

Theo lực lượng kiểm ngư, tính đến 17h ngày 9/5, Trung Quốc có tổng cộng 75 tàu bảo vệ giàn khoan HD-981, đa số là tàu hải giám, tàu vận tải.

Riêng tàu hộ vệ tên lửa tấn công nhanh, có từ 3 đến 5 chiếc bảo vệ vòng ngoài với hành động ngày càng quyết liệt nhằm đe dọa lực lượng của Việt Nam. Về phạm vi hoạt động, Trung Quốc quyết liệt ngăn cản không cho tàu lực lượng Việt Nam lại gần giàn khoan. Nếu hôm 8/5, bán kính bảo vệ của Trung Quốc là 5-7 hải lý thì nay mở rộng lên 10-13 hải lý.

ra tuyên bố riêng về biển Đông

Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, sau ba cuộc họp căng thẳng, sáng 10/5 tại Naypyitaw (Myanmar) đã đạt được kết quả quan trọng là một tuyên bố riêng rẽ về tình hình biển Đông.. Đây là một động thái chưa có tiền lệ trong các cuộc họp Ngoại trưởng trước một Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, khi các quốc gia thành viên thống nhất được quan điểm về một tuyên bố chung cho riêng một vấn đề đang nóng bỏng.

Nguyên văn bản “Tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về Tình hình biển Đông hiện nay” có 4 điểm:

Thứ nhất, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN bày tỏ quan ngại sâu sắc về các vụ việc đang diễn ra trên biển Đông, đã làm gia tăng tình hình căng thẳng tại khu vực.

Giàn khoan HD-981
Giàn khoan HD-981
Thứ hai, các Bộ trưởng yêu cầu các bên liên quan, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc đã được thừa nhận chung của luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, thực hiện kiềm chế và tránh các hành động có thể làm phương hại đến hòa bình và ổn định của khu vực; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Thứ ba, các Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định an ninh, an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông, cũng như Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và Tuyên bố cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 15 kỷ niệm Tuyên bố chung của các bên về Quy tắc ứng xử trên biển Đông (DOC).

Cuối cùng, các Bộ trưởng kêu gọi các bên tham gia DOC thực hiện đầy đủ tuyên bố này nhằm tạo môi trường tin cậy và xây dựng lòng tin. Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

Trả lời báo chí quốc tế sau 3 cuộc họp căng thẳng và kéo dài hơn dự định, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh nói rằng: “Chúng tôi hài lòng về kết quả cuộc họp hôm nay. Nhưng chúng tôi rất không hài lòng về những gì đang xảy ra trên biển Đông”.

Yêu cầu TQ rút vô điều kiện giàn khoan, tàu khỏi biển Việt Nam

Cũng trong ngày 10/5, Hội Nghề cá Việt Nam đã ra tuyên bố phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 và các tàu đi vào hoạt động tại vùng biển của Việt Nam.

Yêu cầu phía Trung Quốc rút ngay và rút hết giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi khu vực vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam vô điều kiện và cùng phía Việt Nam đàm phán xử lý bất đồng, chấm dứt hành động tương tự.

Hội Nghề cá Việt Nam, ngư dân Việt Nam nói riêng và toàn thể nhân dân Việt Nam luôn mong muốn duy trì phát triển hòa bình và tình hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc; vì lợi ích cơ bản, lâu dài của nhân dân hai nước vì hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới", tuyên bố của Hội nghề cá Việt Nam nhấn mạnh.

Đây là lần thứ 2, trong vài ngày qua, Hội nghề cá Việt Nam ra văn bản phản đối hành động ngang ngược, vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam của Trung Quốc.

Trước đó, ngày 6/5 Hội nghề cá Việt Nam đã có văn bản do Phó chủ tịch Thường trực Võ Văn Trác ký gửi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ ngoại giao bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ hành động trên của Trung Quốc.

Việt Nam có thể kiện lên tòa án quốc tế

Trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền của NTNN, Giáo sư danh dự về Luật Biển của Trường Đại học Quốc gia Ireland Clive Symmons khẳng định, hành động Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 và chủ động tấn công tàu Việt Nam là vi phạm luật quốc tế. Việt Nam có thể kiện lên tòa án quốc tế.

Đối với hoạt động khai thác như việc đưa một giàn khoan dầu vào thềm lục địa của một quốc gia có chủ quyền là đi ngược lại với Điều 77 trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Điều 77 này nhấn mạnh, các quốc gia ven biển có chủ quyền có quyền được khai thác (đoạn 1) và (đoạn 2) và những quyền này là “độc quyền” dành cho các quốc gia ven biển đó. Do đó không ai có quyền thực hiện các hoạt động khai thác mà không được sự cho phép của các quốc gia ven biển có chủ quyền.

Đối với trường hợp còn tranh chấp, chiểu theo Điều 83 phần 3 của UNCLOS cụ thể là, trong khi chờ đợi một thỏa thuận thống nhất về ranh giới, các nước có liên quan, trên tinh thần hiểu biết và hợp tác, sẽ cố gắng hết sức để tham gia vào một dàn xếp tạm thời có tính chất thực tế và trong giai đoạn chuyển tiếp này sẽ không gây nguy hiểm hoặc cản trở việc đạt một thỏa thuận cuối cùng.

Do đó, rõ ràng nếu Trung Quốc đơn phương khai thác tài nguyên thiên nhiên tại vùng thềm lục địa chưa được xác định mà nước khác cũng tuyên bố chủ quyền là vi phạm nghĩa vụ chuyển tiếp bắt buộc mà điều luật nói trên đặt ra.

Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh ở đây là Việt Nam có những bằng chứng lịch sử khẳng định vùng biển này thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam và theo những báo cáo về hành động của Trung Quốc vừa qua cho thấy, Trung Quốc đã vi phạm luật, ít nhất là đối với UNCLOS.

Tổng thư ký ASEAN, LHQ kêu gọi hòa bình ở Biển Đông

Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh xem vụ Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển Việt Nam và cho tàu Trung Quốc đâm vào tàu Việt Nam tại khu vực giàn khoan là “cực kỳ nghiêm trọng”.

Với tình hình căng thẳng đang có chiều hướng gia tăng, ASEAN cần sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), ông Minh cho biết khi trả lời phỏng vấn đài Channel News Asia hôm 9/5.

“Đến nay, chúng tôi có 3 vòng tham vấn chính thức, nhưng quá trình tham vấn thật sự vẫn chưa thể bắt đầu. ASEAN cần tăng cường làm việc để Trung Quốc cam kết đóng góp vào sự phát triển của COC. Chúng tôi cố gắng xem nếu có thể đưa Trung Quốc tham gia tham vấn về biển Đông nhằm sớm hoàn tất COC”, ông Minh nói.

Cũng trong ngày 9/5, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cũng đã kêu gọi các bên liên quan "kiềm chế tối đa" và giải quyết các tranh tại Biển Đông bằng con đường hòa bình.

Theo Phó phát ngôn viên của Tổng thư ký, ông Farhan Haq cho biết: "Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã bày tỏ quan ngại về sự gia tăng căng thẳng tại Biển Đông, đặc biệt giữa Trung Quốc và Việt Nam trong những ngày vừa qua. Tổng thư ký hối thúc các bên liên quan kiềm chế tối đa và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên Hợp Quốc".

Học giả Anh: Trung Quốc đang "vỗ mặt" chính quyền Mỹ

Ông Edward Schwarck, Giám đốc Chương trình châu Á thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), mới đây cho rằng việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trong vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông là thách thức nghiêm trọng đối với khu vực.

Ông Edward Schwarck - Giám đốc Chương trình châu Á thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh.
Ông Edward Schwarck - Giám đốc Chương trình châu Á thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh.
Ông Schwarck nói rằng thời điểm Trung Quốc quyết định hạ đặt giàn khoan rất đáng chú ý. Nó xảy ra sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama có chuyến công du đến Đông Á, nơi ông đã đưa ra hàng loạt cam kết mạnh mẽ về an ninh, như những đảm bảo về an ninh cho Nhật Bản, hay một thỏa thuận hợp tác quân sự với Philippines.

Như vậy, quyết định của Trung Quốc bắt đầu hoạt động khoan thăm dò dầu khí ở Biển Đông xét ở khía cạnh nào đó có thể là một phản ứng theo kiểu "vỗ mặt" Chính quyền Washington nhằm chứng minh rằng Bắc Kinh không bị ngăn cản bởi những cam kết an ninh của Mỹ.

Theo ông Schwarck, Trung Quốc muốn khẳng định họ vẫn duy trì khả năng đẩy căng thẳng ở Biển Đông leo thang tùy theo ý định của mình.

Hành động kiểu này của Trung Quốc tạo ra thách thức nghiêm trọng đối với Việt Nam và các bên có tuyên bố chủ quyền trong khu vực.

Trung Quốc phải giải thích rõ động thái ở biển Đông

Chiều 9/5 tại Hà Nội, Thủ tướng Sri Lanka D. M. Jayaratne khẳng định quan điểm của Sri Lanka là ủng hộ lập trường, quan điểm chính đáng của Việt Nam là yêu cầu phía Trung Quốc nghiêm túc chấp hành luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, DOC; rút ngay giàn khoan HD981 đang hoạt động phi pháp ra khỏi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế biển của Việt Nam.
Cùng ngày, từ Tokyo, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida khẳng định Trung Quốc nên giải thích rõ căn cứ pháp lý của việc khoan dầu trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa ở biển Đông của Việt Nam cũng như những động thái gây căng thẳng ở khu vực này trong gần một tuần qua.

“Căng thẳng trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc là do những hành động khiêu khích và đơn phương của Trung Quốc gây ra. Bắc Kinh nên giải thích với Việt Nam và cộng đồng quốc tế về cơ sở pháp lý cũng như những chi tiết về hành động của họ đang làm ở biển Đông” - Ngoại trưởng Kishida nói.
Tại Mỹ, hạ nghị sĩ Eni Faleomavaega, thành viên cao cấp của Tiểu ban các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ, đã lên án mạnh mẽ việc Trung Quốc đang xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông.
Ông Faleomavaega chỉ trích những hành động khiêu khích của Trung Quốc là một sự leo thang đe dọa hòa bình và an ninh biển ở biển Đông. Thông cáo báo chí của ông Faleomavaega kêu gọi Mỹ đưa ra tuyên bố phản ứng rõ ràng và kiên quyết hơn đối với vấn đề này.

Đức Nghĩa