Trung Quốc đề xuất tăng cường nỗ lực cho vòng đàm phán về biến đổi khí hậu (31/10/2011)
Ông Xie Zhenhua, Phó Chủ tịch Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc đã trình bày đề xuất mang tính xây dựng này, đồng thời chỉ rõ lời kêu gọi của Trung Quốc về việc áp dụng Kế hoạch hành động Bali đồng nghĩa với việc thực hiện giai đoạn cam kết thứ hai của Nghị định thư Kyoto. Tuy nhiên, theo ông, đề xuất này cũng có nguy cơ tạo ra sự bất đồng từ phía các nước công nghiệp phát triển.
Ông Xie vốn là người đứng đầu đoàn đại biểu Trung Quốc tham dự các vòng đàm phán trước về biến đổi khí hậu, từ Copenhagen cho tới Cancun. Trong thời gian tới đây, ông Xie sẽ tới London để thảo luận về các vấn đề này với các nhà chức trách của Anh và châu Âu.
Phát biểu trong buổi họp báo mới đây tại Bắc Kinh, ông Xie Zhuenhua lưu ý rằng, trong thời gian gần đây, một vài quốc gia đã bày tỏ sự miễn cưỡng khi phải tham gia vào giai đoạn cam kết thứ hai sau năm 2012 khi giai đoạn đầu tiên đã hết hạn hiệu lực do “thiếu sự hợp tác trọn vẹn” của nhiều quốc gia phát triển như Mỹ - những nước đã từ chối thông qua các mục tiêu giảm thiểu khí thải bắt buộc như đã nêu trong Nghị định thư Kyoto.
“Chúng tôi hy vọng rằng Hội nghị thượng đỉnh Durban sẽ không dẫn chúng ta đến ngõ cụt”, ông Xie chỉ rõ, đồng thời nhấn mạnh Trung Quốc kêu gọi các nước phát triển cùng thống nhất cam kết có liên quan tới các yêu cầu vốn đã từng đưa ra trong bảng Phụ lục 1 của Nghị định thư Kyoto.
Đối với các nước đang phát triển, những nỗ lực tự nguyện của họ về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính cũng sẽ phải được chính thức hóa trong Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, ông Xie nêu rõ.
Phó Chủ tịch Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Trung Quốc phát biểu khẳng định rằng đề xuất của nước này là hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc “trách nhiệm chung nhưng khác biệt” và với “các khả năng được tôn trọng”. Ông khẳng định tính khả thi của đề xuất này bởi vì mục tiêu của họ chỉ là chính thức hóa các cam kết vốn đã được mỗi quốc gia thực hiện. Đề xuất cũng nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ phía “các nước thành viên nhóm BASIC – gồm Brazil, Nam Phi, Ấn Độ và Trung Quốc – và cũng phù hợp với đề xuất của Nhóm 77”, ông Xie nêu rõ.
Tháng 8 vừa qua, Trung Quốc đã cùng ba nền kinh tế mới nổi là Brazil, Nam Phi, Ấn Độ cùng lên tiếng kêu gọi gia hạn Nghị định thư Kyoto trước khi hết hiệu lực vào năm 2012. Bốn nước này tái khẳng định Nghị định thư Kyoto là một cột mốc của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và bày tỏ hy vọng Hội nghị thượng đỉnh Durban tới đây sẽ thông qua việc thành lập Quỹ Khí hậu Xanh nhằm viện trợ hàng tỷ USD cho các nước nghèo đang phải chịu sự ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu.
Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu sắp tới tại Durban (Nam Phi) được coi là cơ hội cuối cùng để các nước trên thế giới làm sống lại Nghị định thư Kyoto trước khi nó hết hạn vào năm 2012./.
*Theo Xinhua, People's Daily *