Trồng rừng gỗ lớn: Hướng phát triển bền vững “kinh tế xanh”
CCB Hạ Đình Giao chăm sóc rừng cây của gia đình.
Trồng rừng gỗ lớn là chủ trương lớn và cũng là giải pháp quan trọng để cơ cấu lại ngành lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Những cánh rừng gỗ lớn còn góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái, chống biến đổi khí hậu toàn cầu; bảo vệ con người trước thiên tai...
Thực hiện chương trình tái cơ cấu, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng, Ngành Lâm nghiệp không ngừng tăng cường đầu tư cho việc nâng cao hiệu quả trong quản lý, phát triển rừng, góp phần bảo đảm nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến gỗ. Những năm gần đây, việc chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn đã mang lại giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần. Nhất là việc trồng rừng gỗ lớn chi phí thấp hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ, do giai đoạn về sau chủ yếu là bảo vệ rừng thay vì trồng lại rừng. Từ đó, mang lại lợi ích lớn trong phát triển kinh tế, góp phần tạo độ che phủ rừng bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt khi mùa mưa đến sẽ làm giảm xói mòn, rửa trôi đất, phòng chống lũ lụt.
Để hiện thực hóa chủ trương về trồng rừng gỗ lớn, năm 2019, tỉnh Quảng Ninh ban hành một số chính sách đặc thù nhằm khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững như bố trí ngân sách đầu tư hằng năm cho phát triển lâm nghiệp, hỗ trợ cây giống và lãi suất ngân hàng cho người trồng rừng. 5 năm qua, tỉnh trồng được 73.746ha rừng tập trung. Chỉ tính 2 năm (2021-2022), tỉnh Quảng Ninh thí điểm áp dụng chính sách hỗ trợ trồng rừng sản xuất cây gỗ lớn, cây bản địa trên địa bàn T.P Hạ Long và huyện Ba Chẽ. Đến nay, có 896 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng trên 1.700ha rừng cây gỗ lớn, cây bản địa từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH với số tiền 8,48 tỷ đồng.
Tỉnh Thanh Hóa xây dựng và triển khai đề án trồng rừng gỗ lớn ở huyện Như Thanh và Như Xuân, nhằm nâng cao năng suất, giá trị thu nhập, đồng thời bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen quý hiếm phục vụ cho nghiên cứu khoa học gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2025, hình thành và phát triển ổn định diện tích với quy mô 2.500ha rừng trồng gỗ lớn, nâng giá trị lâm sản rừng trồng gỗ lớn lên 150 tỷ đồng; thời gian kinh doanh rừng gỗ lớn 2 chu kỳ từ 10-12 năm, đưa tỷ trọng của lâm nghiệp trong cơ cấu nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản đạt 30%.
Từ khi triển khai dự án “Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn” giai đoạn từ năm 2014-2016, tỉnh Bắc Giang đã trồng được 120ha rừng thâm canh gỗ lớn, với 70 hộ gia đình tham gia; đồng thời, đã thực hiện chuyển hóa được 55ha rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn, với 38 hộ gia đình tham gia. Việc chuyển đổi phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế lâm nghiệp địa phương làm động lực thúc đẩy quá trình tổ chức thực hiện trồng rừng, sản xuất, chế biến, liên kết theo chuỗi giá trị nhằm mở rộng diện tích rừng trồng gỗ lớn, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng.
Một khó khăn trong việc phát triển rừng gỗ lớn đó là cần nguồn vốn ổn định, trong khi đó, điều kiện kinh tế của nhiều hộ trồng rừng còn khó khăn. Do vậy, những năm qua, người dân vẫn đang duy trì việc trồng và khai thác rừng nguyên liệu gỗ nhỏ để cung cấp cho các nhà máy chế biến dăm gỗ chứ chưa chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn. CCB Hạ Đình Giao ở thôn Đồng Phú, xã Đồng Lạc, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ cho biết: “Mặc dù trồng rừng lâu năm và biết rừng gỗ lớn sẽ cho giá trị kinh tế cao hơn nhưng hiện nay, gia đình tôi mới có hơn 40/100ha tổng diện tích trồng rừng, chủ yếu là cây keo. Để trang trải cuộc sống và có nguồn vốn để tái sản xuất, “lấy ngắn nuôi dài”, tôi nuôi thêm đàn gia súc gia cầm như lợn, dê, bò, ngựa và đào ao thả cá. Không phải gia đình nào cũng kiên trì và có điều kiện, nên nhiều người còn e dè khi tham gia chuyển đổi sang mô hình trồng cây gỗ lớn hoặc có những chủ rừng lại chỉ tham gia được một thời gian rồi bỏ cuộc”.
Do chu kỳ trồng rừng gỗ lớn dài trong khi điều kiện kinh tế của đa phần người trồng rừng đều khó khăn. Nguy cơ rủi ro do thời tiết cực đoan, giá cả thất thường khiến người dân chỉ chờ đến thời điểm cây đủ sinh khối và được giá là bán ngay. Điều đó khiến nhiều người dân cho rằng, trồng rừng gỗ nhỏ rủi ro thấp hơn, quay vòng vốn nhanh hơn.
Thực tế này dẫn đến hình thức tổ chức sản xuất trồng rừng gỗ lớn chưa đồng bộ, thiếu có tiếng nói chung giữa các doanh nghiệp lâm nghiệp với hộ gia đình, cộng đồng trên cùng địa bàn. Các địa phương cần mở rộng tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hỗ trợ người dân tham gia nghề rừng, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trồng rừng kinh doanh gỗ lớn, có chính sách hỗ trợ xây dựng đường lâm nghiệp tạo điều kiện cho người dân cũng như cho công tác khai thác cơ giới, giảm chi phí vận chuyển nguyên vật liệu.
Hồ Thanh Hương