Hiện nay, các địa phương miền Bắc đang ở giai đoạn trồng rừng chính vụ. Các tỉnh trung du và miền núi có tiến độ trồng rừng đạt khoảng 60 nghìn ha, Bắc Trung Bộ trồng đạt 15 nghìn ha, đồng bằng sông Hồng trồng đạt hơn 12 nghìn ha. Những tỉnh có diện tích trồng rừng nhiều và tiến độ nhanh hơn so với cùng kỳ năm 2016 là Tuyên Quang, Phú Thọ, Nghệ An. Bên cạnh công tác trồng rừng tập trung, các địa phương tiếp tục gieo ươm và chăm sóc cây giống, trồng cây phân tán, giao khoán bảo vệ và tiến hành chăm sóc diện tích rừng trồng các năm trước. Các tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ hiện nay cũng bắt đầu triển khai trồng rừng tại nhiều địa phương. Đến nay, các địa phương đã trồng đạt ba nghìn ha, trong đó, Quảng Nam trồng đạt hơn 2 nghìn ha, Gia Lai 400 ha, Đác Nông 250 ha. Bên cạnh công tác trồng rừng, các địa phương tiếp tục chuẩn bị gieo ươm và chăm sóc cây giống phục vụ cho kế hoạch trồng rừng và trồng cây phân tán. Nhờ thực hiện tốt chính sách khuyến khích, hỗ trợ chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng, tại nhiều địa phương đã xuất hiện những mô hình trồng rừng giỏi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Như trường hợp gia đình ông Hoàng Quốc Vượng ở thôn Lập Đinh (xã Ngọc Thanh, TX Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Nhờ bền bỉ phát triển kinh tế rừng, đến nay ông trở thành tỷ phú. Gia đình ông hiện có hơn 100 ha rừng trồng, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, gia đình ông Vượng còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động với thu nhập bình quân từ năm đến sáu triệu đồng/người/tháng. Tuy có diện tích không nhiều bằng ông Vượng, nhưng gia đình anh Lục Văn Bạn ở Bản Khúa (xã Bằng Thành, Pác Nặm, Bắc Kạn) làm giàu từ chính nghề trồng rừng nhờ biết cách xen canh, lựa chọn giống để phát triển hiệu quả kinh tế rừng. Đến nay, gia đình anh mở rộng diện tích trồng lên gần 40 ha, chủ yếu là giống keo, lát, lim. Vừa qua, gia đình anh khai thác để bán gần 20 ha keo, trừ các khoản chi phí cho nguồn thu nhập gần một tỷ đồng. Và bắt đầu từ năm 2017 này trở đi, các diện tích rừng trồng của gia đình anh Bạn sẽ được khai thác theo chu kỳ khép kín, cho thu nhập ổn định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo đánh giá của ngành lâm nghiệp, hiện vẫn còn những vướng mắc, hạn chế cần tháo gỡ. Việc bố trí nguồn lực thực hiện các cơ chế chính sách về bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của ngành; gây khó khăn, lúng túng cho các địa phương trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là những nơi có diện tích rừng lớn, chưa tự cân đối được ngân sách. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại một số địa phương còn chưa được quan tâm. Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước khó khăn, do nhiều nguyên nhân, nhiều địa phương đã không tổng hợp, đề xuất hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương cho các dự án phát triển lâm nghiệp mà ưu tiên cho các lĩnh vực khác. Nhiều địa phương hiện chưa được Nhà nước cấp vốn trồng rừng theo chỉ tiêu năm 2017, do đó rất khó khăn hoàn thành kế hoạch năm, nhất là chỉ tiêu trồng rừng phòng hộ.
Theo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc sẽ đạt 42%. Mục tiêu hướng tới là nâng cao năng suất, chất lượng và tăng giá trị của từng loại rừng, qua đó góp phần đáp ứng các yêu cầu về giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, gắn với tiến trình xây dựng nông thôn mới.
MINH DŨNG