Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược!

Năm 2016, các thành phố lớn trên cả nước, trong đó có TP. Hà Nội, tiến hành kiểm tra, phạt người đi bộ vi phạm Luật Giao thông theo quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 đã sửa đổi bổ sung theo Nghị định 107/2014/NĐ-CP ngày 17-11-2014 của Chính phủ.
Người ta hy vọng tới đây chuyện đi bộ trong thành phố sẽ được cải thiện. Nhưng, thực tế cho thấy thực hiện Nghị định không phải dễ dàng, nếu như không muốn nói là không thể thực hiện được. Tại sao? Có phần do ý thức của người đi bộ, nhưng khó hơn chính là vì tính khả thi của nghị định, do không đồng bộ của các văn bản pháp quy hiện hành. Nhất là TP. Hà Nội, tôi cam đoan là không bao giờ thực hiện được nếu vẫn cứ “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như hiện nay.
Để bạn đọc dễ hình dung, người viết cứ tạm gọi Nghị định của Chính phủ là “trống” đi, thì rõ ràng “kèn” của Hà Nội thổi ngược kinh khủng. Mức độ “ngược” được mổ xẻ khá kỹ trong cuộc họp của lãnh đạo thành phố vào đầu tháng 3 vừa rồi. Một thực trạng được đưa ra cuộc họp là, nhìn toàn cảnh nội thành Hà Nội, ngoài khu Ngoại giao đoàn thuộc quân Ba Đình, còn lại hầu như hè phố nào cũng ít nhiều bị chiếm dụng, lộn xộn, bát nháo. Bạn muốn tìm một chỗ đặt chân thả bộ trên vỉa hè, nhất là ở khu phố cổ “36 phố phường”, là không dễ, không thể.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhưng một nguyên nhân chính và cũng là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là vỉa hè bị chính quyền cho thuê hoặc người dân “tự nguyện” nộp phí cho cảnh sát khu vực để được sử dụng.
Thế là hè phố vốn dành cho người đi bộ giờ thành nơi kinh doanh. Người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường đi cùng xe máy, ô tô làm thành “bức tranh giao thông” rối rắm phản cảm. Chả thế mà một du khách nước ngoài đến Hà Nội đã ví giao thông Thủ đô như một “kỳ quan thế giới” (!).
Khó trách người dân tận dụng vỉa hè khi họ đã nộp phí cho chính quyền. Cũng khó trách được “các chú công an khu vực sao có mắt mà như mù”.
Thực trạng đó bao năm nay đã được coi như một lẽ tự nhiên. Người thành phố, người ngoại tỉnh về thành phố, ngậm ngùi đi dưới lòng đường, hứng chịu bụi bẩn, rủi ro và tai nạn giao thông có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Tôi đã tận mắt chứng kiến vụ xô xát giữa một ông già đi bộ và một anh lái xe bán tải trên con phố một chiều thuộc quận Hoàn Kiếm: Cận Tết, bà chủ nhà lấy mặt tiền tập kết hàng chất đầy hè phố, lấp hết lối đi. Chiếc xe bán tải chở hàng đậu sát vỉa hè. Ông già không có chỗ đi đã to tiếng với lái xe. Sợ có thể đánh nhau to, bà chủ nhà đành phải phân bua thật với ông già: “Có tý thế mà mỗi tháng phải đóng hết hai triệu đồng đấy ông ạ. Thôi ông thông cảm, cùng cảnh với nhau cả mà!”…
Một sự thật hiển nhiên như thế, ai cũng biết mà bây giờ thành phố “quyết” cấm người đi bộ dưới lòng đường thì vô lý thât. Đây là một sự thật oái oăm đang xảy ra ở Hà Nội.
Tất nhiên, về nguyên tắc phạt là không sai, nhưng cái chưa đúng ở đây là chính quyền thành phố, quận, phường đã “hợp pháp hóa” việc chiếm dụng vỉa hè, người đi bộ buộc phải đi dưới lòng đường hoặc sang đường không đúng chỗ quy định thì không thể máy móc phạt người đi bộ được. Có lẽ vì thế mà mấy tháng vừa qua, công an TP. Hà Nội lúng túng, đã không thể phạt được những người đi bộ dưới lòng đường phố. Đó là hệ quả của việc các văn bản pháp quy “va” nhau-đúng là “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
Trên thế giới, ở một số nước cũng có hoàn cảnh thành phố chật chội như Hà Nội. Chính quyền thành phố của những nước này cũng phải tính giải pháp cho phép dân sử dụng một phần vỉa hè. Nhưng khác mình, họ công khai rõ số tiền đóng hằng tháng của từng con phố mà các chủ hộ nộp vào ngân sách. Số tiền được chuyển trở lại để chỉnh trang đô thị.
Hiện nay, TP. Hà Nội vẫn cho người dân thuê hè phố buôn bán kinh doanh, số tiền thu được có thể nói rất tùy hứng, không rõ ràng, nếu như không muốn nói là không minh bạch, trong khi Nghị định phạt người đi bộ được thực hiện, thì người đi bộ sẽ trở thành nạn nhân của sự “va đập” giữa nghị định “trên” và “quy định” dưới.
Xin thôi kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” này đi.
Nguyễn Minh Nguyên