Trọn một mối tình (15/09/2011)
Vào một buổi tối tháng 2-1946, trời mưa phùn, gió rét, đang làm nhiệm vụ trực ban, anh Phùng Ngọc Bảo thấy từ cửa phòng hai nữ sinh mặc áo dài lụa tơ tằm bước vào, cất tiếng nói nhỏ nhẹ:
-
Xin chào anh! Chúng tôi là hai chị em, Nguyễn Thị Bạn và Nguyễn Thị Bình, nhà ở trong nhà thương. Chúng tôi thường đi học về muộn, đề nghị anh báo với vọng gác cho chúng tôi ra vào tự do, khỏi bị hô đứng lại ở ngoài cổng.
-
Vâng! Hai chị cứ về nhà đi, tôi sẽ nói lại với vọng gác. - Anh trả lời.
-
Xin cảm ơn anh. Chào anh, chúng tôi về.
Người chị vừa nói dứt lời đã bước ra cửa. Người em đứng lại với dáng vẻ duyên dáng, đôi mắt đen huyền long lanh, miệâng cười tươi nói:
- Xin chào anh Vệ quốc quân!
Bảo đứng dậy bối rối, chưa kịp trả lời thì người em đã bước vội theo chị ra cửa. Có lẽ dây là lần đầu tiên anh được cô nữ sinh Hà Nội chào với cái tên thân thương ấy. Tự dưng trong anh như trào dâng một cảm xúc lâng lâng khó tả, niềm vui xen lẫn tự hào. Trung đội Vệ quốc đoàn hàng ngày luyện tập trên bãi cỏ giữa sân nhà thương, lại đóng quân tại đây, Bình và các bạn thường đưa nhau ra đó để ngồi học. Một hôm Bảo nghe rõ tiếng Bình và các bạn tranh luận gay gắt về một bài toán hình, nhưng chưa tìm ra cách giải. Kết thúc buổi tập, Bảo ở lại, tò mò xem bài toán. Anh nói rõ điều mà các bạn chưa hình dung ra trên hình vẽ và giải luôn bài toán đó với cách giải ngắn gọn, dễ hiểu. Bình và các bạn reo lên vui sướng. Bình tò mò hỏi:
-
Anh cũng đi học à?
-
Vâng! - Bảo trả lời tự nhiên.
-
Thế tại sao anh lại đi Việt Minh?
Bình gặng hỏi.
- Tôi chống lại bọn thực dân Pháp, muốn nước nhà được độc lập!
Bảo trả lời, rồi kể cho Bình nghe những ngày học ở trường An-be-xa-rô, anh đã chống lại thực dân Pháp và ngày 9-3-1945, anh đã hạ cờ Pháp trên cột cờ giữa sân trường, rồi anh vào Vệ quốc quân, Bình chăm chú nghe và im lặng. Nhưng Bảo đã đọc được ý nghĩ thầm kín như có sự đồng cảm trong ánh mắt đen, đằm thắm của cô nữ sinh. Sau này, anh biết được Bình là học sinh trường trung học nữ Đồng Khánh, mùa hè năm 1944 đã được giới thiệu vào Hội phụ nữ cứu quốc, được giao nhiệm vụ vận động, tuyên truyền học sinh tham gia công tác Việt Minh. Tháng 7 -1945, Bình bị phát xít Nhật bắt giam tại sở mật thám. Cách mạng Tháng Tám thành công, Bình được ra tù, chị lại tiếp tục hoạt động trong Hội phụ nữ cứu quốc.
Kể từ buổi ấy, Bảo và Bình càng thân nhau hơn. Khi biết Bình thân quen với Bảo thì bố cô can ngăn: "Con đã bị Nhật bỏ tù vì hoạt động cho Việt Minh, bây giờ con lại kết bạn với anh ấy là Việt Minh, không khéo lại bị bọn Quốc dân đảng bắt. Bố không muốn anh ấy đến nhà ta". Biết được chuyện này, Bảo tránh không đến nhà Bình. Trong những ngày sôi động của cả Hà Nội chuẩn bị kháng chiến, trung đội của Bảo bí mật rút khỏi Hà Nội. Bảo không kịp chia tay Bình và không một lời hò hẹn; hình ảnh cô nữ sinh hồn nhiên với đôi mắt đen, sáng rực càng canh cánh trong lòng anh không nguôi. Tháng 12-1946, Bình được tuyển vào cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, Bảo công tác ở Phòng bí thư Bộ Quốc phòng. Vì hai người chưa đính hôn chính thức nên Bình gặp nhiều chàng trai theo đuổi. Chuyện này đến tai đồng chí Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Một ngày đẹp trời đầu tháng 5-1950, đồng chí Tổng tư lệnh tổ chức một buổi gặp gỡ giữa hai người. Khi đồng chí Tổng tư lệnh hỏi: "Chị Bình có yêu anh Bảo không?". Bình e lệ trả lời: "Thủ trưởng hỏi anh Bảo ấy". Bảo đỏ mặt, phần vì ngượng ngùng, phần vì quá xúc động. Đồng chí Tổng tư lệnh tươi cười khuyên: "Đến khi nào thắng lợi, giải phóng Thủ đô, thì anh chị sẽ làm lễ cưới ở Hà Nội".
Tháng 7-1950, Bình được cử đi học Đại học Y dược, Bảo lên chiến khu Việt Bắc chuẩn bị cho chiến dịch Biên giới. Hôm chia tay nhau, Bình đàn và hát bài "Người Hà Nội" cho anh nghe, rồi anh chị cùng hát say sưa với cả tấm lòng hồn nhiên tươi trẻ của người học sinh Hà Nội và hát với cả tấm lòng của người Hà Nội đi theo kháng chiến. Sau hai tháng tiếp quản Thủ đô, đúng ngày kỷ niệm Toàn quốc kháng chiến (19-12-1954), Bảo và Bình tổ chức lễ cưới tại Hà Nội.
Đánh Pháp xong lại đánh Mỹ, sau khi học các lớp trung cao cấp quân sự, chính trị, rồi học tiếng Anh, tháng 10-1966, Bảo được điều vào chiến trường miền Nam làm nhiệm vụ đặc biệt. Thế là anh chị lại xa nhau đằng đẵng gần 10 năm trời, trong đó có 2 năm chị xa Hà Nội, xa Tổ quốc thân yêu. Năm 1970, từ chiến trường miền Nam, anh được ra Hà Nội công tác ghé qua nhà thì biết tin chị đi học ở Cộng hoà dân chủ Đức. Anh chỉ kịp viết cho chị vài dòng ngắn ngủi và ngắt một bông hoa păng-xê màu tím (thứ hoa mà chị ưa thích) ép vào trong thư gửi cho chị. Rồi anh lại trở vào chiến trường miền Nam chiến đấu cho đến khi anh chị được gặp nhau giữa Sài Gòn được giải phóng.
Anh thường nói: Đảng, cách mạng và quân đội đã làm thay đổi cuộc đời của anh chị. Anh là đại tá hưởng lương cấp tướng; làm Phó chủ nhiệm Khoa trinh sát - quân sự nước ngoài (Học viện Quốc phòng); chị cũng là đại tá bác sĩ quân y, làm Phó chủ nhiệm Khoa tim mạch (Bệnh viện 108). Tháng 4-1986, sau một cơn bệnh hiểm nghèo, chị qua đời. Anh phải vĩnh viễn xa chị, người bạn đời, người đồng chí đã động viên anh và cùng anh vượt lên khó khăn, gian khổ của hai cuộc kháng chiến. Có người khuyên anh hãy đi bước nữa, nhưng anh dứt khoát không bao giờ nghĩ đến một tình yêu khác ngoài tình yêu thuỷ chung, son sắt với chị, như anh chị đã thuỷ chung, son sắt với Đảng, cách mạng và quân đội.
NGUYỄN TRỌNG DINH