Đại tá I-u-rô-chen-cô khi còn trẻ.

  • Tôi là I-u-rô-chen-cô, đề nghị mở cổng.

Đó là Đại tá Vi-ta-ly I-u-rô-chen-cô, cán bộ Tổng cục Tình báo Ngoài nước, thuộc Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) bị mất tích trước đó 3 tháng tại Rôm, nơi I-u-rô-chen-cô được phái đến thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt. Nhưng vào buổi chiều ngày cuối cùng của chuyến công tác (ngày 1-8-1985), I-u-rô-chen-cô vào thành phố chơi rồi không trở về nữa. Sứ quán khẩn trương tổ chức tìm kiếm, nhưng không có kết quả. Lời yêu cầu chính quyền I-ta-li-a giúp đỡ cũng vô ích - dường như I-u-rô-chen-cô đã tan biến vào mây khói.

Mấy ngày sau, phía I-ta-li-a bắn tin rằng không loại trừ khả năng I-u-rô-chen-cô “tự nguyện” rời I-ta-li-a và đang ở trên lãnh thổ một nước khác, như Mỹ chẳng hạn, và có lẽ nên tìm anh ta ở đó. Một loạt các yêu cầu được chuyển cho Mỹ, nhưng phải đến khi có những yêu cầu kiên quyết hơn, phía Mỹ mới thông báo đúng là I-u-rô-chen-cô hiện đang ở Mỹ, “theo nguyện vọng cá nhân”.

Thông tin thu được đã giúp tái hiện toàn bộ bức tranh, nói chung trùng những gì do chính I-u-rô-chen-cô về sau thuật lại. Trong lúc dạo phố, đột nhiên I-u-rô-chen-cô thấy khó chịu trong người, anh ngồi xuống nghỉ và ngất đi.

Khi tỉnh lại, anh thấy quanh mình toàn là người lạ. Mọi việc tiếp theo anh chỉ nhớ lơ mơ, nhưng cuối cùng anh cũng hiểu là mình đang ở Mỹ. Sau đó là các cuộc thẩm vấn, những thử nghiệm dùng thuốc kích thích thần kinh làm I-u-rô-chen-cô hầu như bị tê liệt về trí tuệ, cảm thấy như bị rơi vào tình trạng vô vọng và không còn lối tháo lui.

Nhưng I-u-rô-chen-cô vẫn còn đủ sức mạnh để không đầu hàng. Anh suy nghĩ và tìm mọi cách chạy trốn. Trước hết, anh thay đổi cách cư xử để các nhân viên của CIA và FBI giám sát anh mất cảnh giác, dần dần nới lỏng việc trông coi. Chẳng bao lâu, chúng cho phép anh được vào phố, đi mua sắm ở các cửa hiệu, nhà hàng. Và đến khi I-u-rô-chen-cô tạo được quan hệ gần gũi với những người theo dõi anh, anh đề nghị được đến nhà hàng mà anh quen thuộc ở cách không xa khu Sứ quán Liên Xô.

I-u-rô-chen-cô rất thông thạo địa bàn Oa-sinh-tơn cũng như khu vực có Sứ quán. Và anh chọn một chiều thứ 7 cũng không phải ngẫu nhiên: theo quy định, vào ngày đó, trực ban Sứ quán là cán bộ an ninh. Đến khi bọn mật thám cho phép anh được tách ra một mình trong khoảng thời gian nhất định thì I-u-rô-chen-cô quyết định hành động. Anh giả vờ vào nhà vệ sinh, gọi điện thoại vào Sứ quán và vọt nhanh qua cửa phụ của nhà hàng mà anh đã biết từ trước.

Một giờ sau khi I-u-rô-chen-cô có mặt ở Sứ quán, lãnh đạo KGB đã nhận được báo cáo từ Oa-sinh-tơn. Ngay ngày hôm sau, chủ nhật, mồng 3-11-1985, tại trụ sở KGB diễn ra cuộc họp do đích thân Chủ tịch KGB Che-bri-kốp chủ trì.

Hội nghị quyết định trước hết gửi công hàm cho Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu không cản trở hoặc trì hoãn việc xuất cảnh của I-u-rô-chen-cô khỏi nước Mỹ. Tiếp đó, chỉ thị cho Đại sứ quán Liên Xô tại Oa-sinh-tơn tổ chức họp báo để I-u-rô-chen-cô “ra mắt”, kể lại những gì xảy ra với anh.

Bị choáng vì bất ngờ, phía Mỹ phản ứng hết sức lúng túng, không kịp đối phó và chấp nhận hết những yêu cầu mà phía Liên Xô đưa ra.

Điều thú vị là nhân vụ I-u-rô-chen-cô, Tình báo Liên Xô đã xử lí thành công một chuyên án song hành.

Số là, KGB phát hiện có sự rò rỉ thông tin từ Tổ điệp báo ở Oa-sinh-tơn, từ đó tìm ra kẻ nội gián trong nội bộ mình. Vấn đề còn lại là làm thế nào để đưa người này về nước, vì chỉ cần để hé một dấu hiệu nhỏ nhất đe dọa tên này thì CIA sẽ có ngay kế hoạch bảo vệ hoặc rút cơ sở của họ.

Trong bối cảnh đó, KGB quyết định đưa kẻ phản bội vào nhóm những người đưa I-u-rô-chen-cô về nước. Để không tạo ra bất cứ trở ngại hay nghi ngờ nào đó, đã cho phép y về nhà chuẩn bị cho chuyến đi, mặc dù chắc chắn rằng kẻ phản bội sẽ lợi dụng cơ hội này gặp quan thầy để báo cáo và xin chỉ thị.

Đúng như dự đoán, người Mỹ đã khuyên Ma-tư-nốp (tên kẻ phản bội) cứ trở về Mát-xcơ-va và tìm hiểu tiếp sự việc I-u-rô-chen-cô.

Sự quan tâm của CIA đối với I-u-rô-chen-cô lớn đến mức, họ dám thí mạng một điệp viên khá tầm cỡ của mình. Như vậy, đến lúc này thì người được bảo vệ chính không còn là I-u-rô-chen-cô nữa, mà là Ma-tư-nốp.

Tại sân bay quá cảnh ở Ca-na-đa, tất cả hành khách không được ra khỏi máy bay. Lí do được phi hành đoàn đưa ra là có thể có hành động khiêu khích, nên tốt nhất mọi người cứ ở lại trong khoang. “Con chuột chũi” bắt đầu lo lắng, bồn chồn, song đã muộn. Y bị bắt ngay khi đặt chân xuống sân bay ở Mát-xcơ-va, và do bị sốc đã khai nhận tất cả. Ngay từ đầu, Ma-tư-nốp rất sợ trở lại Mát-xcơ-va vì linh cảm rằng, các ông chủ của y đã quá khờ khạo khi chỉ thị cho y buộc phải quay về.

Trước khi xảy ra sự kiện này, I-u-rô-chen-cô nằm trong danh sách những người được tặng thưởng Huân chương Sao Đỏ. Sau khi trở về, anh nhận phần thưởng này trong bầu không khí trang trọng.

Đại tá I-u-rô-chen-cô đã hành động thành công nhờ tài năng, ý chí và lòng dũng cảm.

Nguyên Phong