Trớ trêu cái “Cổng Nông thôn mới”
Hưng Nguyễn
Là con nhà nông, dân "nhà quê" cũng như nhiều người, tôi thật sự nở lòng khi Đảng, Nhà nước có chương trình "Xây dựng Nông thôn mới". Trên thực tế, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cố gắng của cơ sở, chương trình này đã nhanh chóng làm thay đổi bộ mặt nông thôn, từ đồng bằng lên miền núi, vùng sâu vùng xa. Tuy vậy, chỉ vì cố đạt cho bằng được các tiêu chí "Nông thôn mới", nên nơi này, nơi kia, hoặc tận huy động đóng góp của "nông phu" đến sức cùng lực kiệt; hoặc "vay" trên một vài tiêu chí cho đủ để được sớm công nhận....Trước chỉ biết có vậy thì vừa buồn lòng, vừa thấy hài hước; nhưng nay thì có chuyện còn tồi tệ hơn.
Chuyện là một số xã ở Phụng Hiệp - Hậu Giang, rất nhiều gia đình nhà ở thì mái lá vách lá (lá dừa nước) xơ xác, nhếch nhác, nhưng cổng vào là hai trụ bê tông lừng lững, sơn kẻ hoa hòe hoa sói, không cánh cửa, không rào... Dân gọi là "Cổng Nông thôn mới". Thực tế, không phải dân thích làm thế và họ cũng không có tiền của để làm, nhưng cán bộ xã, ấp bắt phải làm theo "quy hoạch" của xã mới đủ điều kiện để được công nhận đạt chuẩn "Xã Nông thôn mới". Vậy là nhiều nhà phải "bán cốt lột xương", thậm chí phải vay giật để làm cổng cho "quan xã" bằng lòng, khỏi vận động đi, vận động lại.
Không phải "từ nghìn xưa" mà cả bây giờ, người Việt mình vẫn lắm anh chuộng hình thức, nặng "bệnh sĩ". Bệnh hình thức-một kiểu hình thức rất "nhà quê" là bản tính cố hữu của người tiểu nông. Điều đáng đáng buồn là căn bệnh đó còn thâm căn cố đế sang cả thời hội nhập.
Nhưng với những chiếc "Cổng Nông thôn mới" thì nguyên nhân suy cho cùng không còn là bệnh hình thức mà đã chuyển qua bệnh thành tích. Để được công nhận là xã "Nông thôn mới", người ta mới ép dân làm những chuyện dở hơi, quá đáng như vậy. Hơn thế, tôi cho rằng ẩn sau bệnh thành tích là tham vọng đầy thực dụng của cán bộ địa phương. Những chiếc "Cổng Nông thôn mới" này rất có thể là bề dày thành tích để người ta được khen thưởng, là thứ bảo đảm để thăng quan, giữ ghế của các ông quan xã, ấp... Nên người ta cứ ép dân phải làm, cho dù ai cũng thấy hết sức trớ trêu, nghịch cảnh, phản cảm! Vì vậy đây là những hành xử cần sự lên án của cộng đồng.
Là cán bộ có trách nhiệm với dân, là công bộc của dân, lẽ ra người ta phải biết thực chất cái mà người dân cần ở "Nông thôn mới" là chất lượng cuộc sống của họ, là no cơm, ấm áo (chưa dám nói là cơm ngon, áo đẹp), là trường học khang trang cho con trẻ, bệnh xá đủ thầy-thuốc cho bệnh nhân, là đường sá - cơ sở hạ tầng; là nước sạch, điện đủ dùng; xóm làng không có trộm cướp, nghiện hút; vui nhộn mà yên lành, và trên hết thay cho đám "cường hào mới" phải là một chính quyền cơ sở gần dân, trọng dân, vì dân phục vụ...; là những công chức mẫn cán, có năng lực, khiêm nhường giản dị...
Nông thôn mới không và hoàn toàn không phải là những chiếc cổng bê tông lòe loẹt, vô hồn, phản văn hóa như vậy!
HN