Trở thành Anh hùng vì “nổi loạn”
Ngày 5-6-1940, quân Đức tiến về phía Pa-ri như bão táp. Chính phủ Pháp tuyên bố “bỏ ngỏ” thủ đô và chạy về Boóc-đô. Chính phủ Pháp bị chia rẽ thành 2 phe: phe do Thủ tướng Rây-nông cầm đầu sẵn sàng tham gia “liên minh Anh-Pháp”; và phe do Thống chế Pê-tanh cầm đầu muốn đầu hàng Đức vì cho rằng “thà làm một tỉnh quốc xã còn hơn là một xứ tự trị của Anh”. Bị thiểu số ủng hộ, ngày 16-6-1940 Thủ tướng Rây-nông từ chức. Pê-tanh lên thay, ngày 22-6-1940 kí với Đức hiệp ước đầu hàng nhục nhã. Theo đó, Pháp bị tước vũ trang, hơn 3/4 lãnh thổ Pháp bị Đức chiếm đóng và Pháp phải nuôi toàn bộ quân đội chiếm đóng Đức.
Trong tình hình đó, Tướng Đờ Gôn đã thực hiện một quyết định quan trọng nhất trong cuộc đời ông và trong lịch sử mới của nước Pháp: Từ chối chấp nhận nước Pháp đầu hàng và “nổi loạn” chống lại chính quyền Pê-tanh. Sáng 17-6-1940, với 100.000 Franc do Rây-nông giao cho trước khi từ chức, Đờ Gôn bay sang Luân Đôn bắt đầu cuộc sống lưu vong. Dựa vào đông đảo các tầng lớp nhân dân Pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Pháp đang tiến hành cuộc chiến tranh du kích chống xâm lược, Đờ Gôn bắt đầu tập hợp các thành phần người dân Pháp ở nước ngoài đoàn kết chống lại quân Đức.
Cũng từ đây, bắt đầu cuộc nội chiến Pháp giữa Chính phủ Pê-tanh đứng về phe Trục và phong trào "Nước Pháp tự do" do Đờ Gôn đứng đầu bác bỏ thỏa hiệp và tham gia vào các lực lượng Đồng minh chống phát xít. Từ Luân Đôn, Đờ Gôn phát biểu qua đài BBC hiệu triệu nhân dân Pháp tiến hành cuộc kháng chiến chống phát xít Đức. Ông khẳng định: “Nước Pháp không thua! Tôi yêu cầu các sĩ quan và binh lính Pháp có đem theo vũ khí hay không, đã hoặc sắp tới nước Anh, hãy liên lạc với tôi! Dù thế nào đi nữa, ngọn lửa kháng chiến của nước Pháp không bao giờ bị dập tắt!...”.
Khi quân Đồng minh đổ bộ lên Bắc Phi vào giữa năm 1943, được sự giúp đỡ của Mỹ và Anh, Đờ Gôn thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc, đặt trụ sở ở An-giê (thủ đô An-giê-ri). Tháng 9-1944, ông thành lập Chính phủ lâm thời. Thế chiến thứ hai kết thúc, do mâu thuẫn nội bộ, năm 1946 Đờ Gôn từ chức. Đến năm 1958, ông được tín nhiệm với số phiếu rất cao trong cuộc tổng tuyển cử, trở thành Tổng thống đầu tiên nền Cộng hòa thứ 5 của nước Pháp và nắm quyền cho tới năm 1969. Nghỉ hưu, Đờ Gôn về sống tại một vùng quê, chỉ nhận lương quân đội chứ không nhận bổng lộc của một cựu nguyên thủ quốc gia. Trước khi mất, ông đề nghị không làm quốc tang, chỉ mong sự hiện diện của bạn bè.
Là nhà quân sự tài ba, một con người có tầm nhìn về vận mệnh nước Pháp, tiếc rằng Đờ Gôn lại chủ trương duy trì chế độ thuộc địa ở Đông Dương và Việt Nam, từ đó, đẩy nước Pháp vào cuộc chiến kéo dài suốt 9 năm-cuộc chiến mang lại những hậu quả tai hại cho chính nước Pháp. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, đến năm 1953-1954, Đờ Gôn đã nhận thức rằng chủ nghĩa thực dân kiểu cũ ở Đông Dương không thể duy trì. Thập niên 1960, trước tình cảnh đất nước Việt Nam bị chia cắt làm hai miền, Đờ Gôn không chọn theo phe nào nhưng cho rằng: “Việt Nam chỉ có thể hòa bình khi thống nhất đất nước”. Chính ông đã thúc đẩy mở ra cuộc hòa đàm tại thủ đô nước Pháp, dẫn đến ký kết Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Pi-e Giuốc-nu thì Đờ Gôn “chưa bao giờ nhận được sự đồng thuận tuyệt đối của mọi người xung quanh. Nhưng ông vẫn luôn có những quyết định sáng suốt với vận mệnh nước Pháp”.
Chính vì thế, tên tuổi ông vượt tầm của một vị tướng thông thường và sống mãi với nước Pháp.
Đăng Song