“Phủi” trách nhiệm?
Sau nhiều lần gia đình ông Tình, bà Chúc có đơn gửi Bí thư Thành ủy và Chủ tịch HĐND T.P Hà Nội, ngày 12-7-2017, UBND huyện Sóc Sơn có Văn bản báo cáo kết quả giải quyết đơn của ông Tình. Gửi kèm báo cáo kết quả giải quyết đơn là báo cáo của Thanh tra huyện về vụ việc.
Theo tài liệu của UBND huyện Sóc Sơn thì: “Qua kiểm tra, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) số K142287, số vào sổ 01608, chủ sử dụng đất Hà Thị Chúc (thôn Lai Sơn) tại thửa đất số 08, tờ bản đồ số 08, diện tích là 7.510m2. GCN số K142286, số vào sổ 01610, chủ sử dụng đất Nguyễn Văn Tình (thôn Lai Sơn), thửa đất số 23, tờ bản đồ số 02, diện tích là 5.248m2”…
Nhưng UBND huyện lại cho rằng: “Do không có hồ sơ quản lý, theo dõi trong việc bàn giao GCN giữa bộ phận lưu giữ hồ sơ cấp GCN thuộc UBND huyện (Phòng Địa chính Nhà đất cũ) với UBND các xã và giữa UBND các xã với các hộ dân (giai đoạn 1998-2005) nên không xác định được trách nhiệm trong việc làm thất lạc (mất) GCN của gia đình bà Hà Thị Chúc và ông Nguyễn Văn Tình thuộc về ai”?
Vẫn theo báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn, năm 1992, khi đo bản đồ địa chính, khu đất của ông Tình, bà Chúc sử dụng được thể hiện ở thửa số 8, tờ bản đồ số 8, thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn, tỉ lệ 1/1000. Sau đó ông Tình, bà Chúc đã trồng cây theo dự án PAM trên diện tích đất này…
Trao đổi với báo chí, luật sư Đào Thị Liên (Công ty Luật Tiền phong - Đoàn luật sư Hà Nội), cho biết: Đất của hộ ông Tình, bà Chúc đã được cấp sổ đỏ, nhưng họ chưa nhận được (do thất lạc) lỗi là ở chính quyền. Vì vậy, khi Nhà nước thu hồi đất cho Công ty gốm Bắc Sơn thuê, ông Tình, bà Chúc phải được nhận đền bù theo quy định của Luật Đất đai.

“Bên trọng, bên khinh”
Liên quan đến việc thất lạc sổ đỏ của người dân, trong báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn xác định, ngoài trường hợp hộ gia đình ông Tình, bà Chúc bị thất lạc thì tại thôn Chấu (xã Bắc Sơn) có tới 17 hộ dân khác cũng bị thất lạc sổ đỏ trong khoảng thời gian từ năm 1998-2005. Nhưng, điều khá “lạ” là UBND huyện Sóc Sơn lại giao Phòng TNMT hướng dẫn UBND xã Bắc Sơn hoàn thiện hồ sơ cấp lại, cấp đổi GCN cho 17 trường hợp này, còn 2 sổ đỏ của ông Tình, bà Chúc thì bị gạt ra rìa…
Nói là vậy bởi GCN của hộ ông Tình, bà Chúc cũng được cấp cùng thời điểm với 17 hộ dân thôn Chấu và bị thất lạc cùng thời điểm 1998-2005, nhưng ông Tình, bà Chúc không được xem xét như 17 hộ dân thôn Chấu. Phải chăng, do đất của ông Tình, bà Chúc đã bị “thôn tính” cho Công ty gốm Bắc Sơn thuê nên UBND huyện Sóc Sơn cố tình bỏ qua?
Trả lời vấn đề trên, bà Nguyễn Hồng Giang - Chánh Thanh tra huyện Sóc Sơn cho biết: “Đến nay Thanh tra huyện mới xác minh về mặt hồ sơ, quyền sử dụng đất của hộ ông Tình, bà Chúc. Chúng tôi chưa xác định rõ đất của ông Tình, bà Chúc sử dụng là đất gì. Sau khi có kết luận, nếu công dân không đồng ý, họ có quyền khiếu nại lên cấp cao hơn”. Bà Giang cho biết thêm: “Bản thân Thanh tra huyện không thể trả lời được câu hỏi vì sao sổ đỏ của người dân lại bị thất lạc?!

Đem đất công đi… cổ phần?
Năm 2004, gia đình ông Tình, bà Chúc cho ông Trần Bá Tấn (thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn) thuê 11.600m2 để hạ mặt bằng lấy đất sản xuất gạch thủ công (thời gian 6 năm) với giá 110 triệu đồng. Năm 2011, hai bên đã có biên bản (viết tay), theo đó, ông Tấn đã trả lại toàn bộ diện tích trên cho gia đình ông Tình, bà Chúc.
Mặc dù vậy không hiểu sao, ngày 1-11-2004, UBND xã Bắc Sơn lại ký hợp đồng khai thác đất sản xuất gạch với ông Trần Bá Tấn trên chính diện tích đất của gia đình ông Tình, bà Chúc cũng với thời hạn 6 năm??? Ngoài ra, UBND xã Bắc Sơn còn ký hợp đồng cho các ông Dương Văn Tiến, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Văn Hoà thuê đất tại khu vực đất 569 cũ. Tất cả 3 người này đều là người ở Hưng Yên và Bắc Ninh, không một ai có hộ khẩu ở xã Bắc Sơn! Đến năm 2010, các ông Tiến, Tỵ, Hoà, Tấn lại dùng chính các hợp đồng thuê đất đã ký với UBND xã Bắc Sơn để góp vốn thành lập Công ty gốm Bắc Sơn.
Trong buổi làm việc ngày 19-7-2017 với phóng viên, bà Nguyễn Hồng Giang cũng “tiết lộ”: Các hộ nói trên đã góp vốn vào Công ty gốm Bắc Sơn bằng các hợp đồng thuê đất. Khi được hỏi về giá trị góp vốn bằng các Hợp đồng thuê đất quy ra là bao nhiêu tiền, bà Giang nói rằng: Cái đó theo Luật Doanh nghiệp!
Theo Giấy đăng ký kinh doanh của Công ty gốm Bắc Sơn thì giá trị góp vốn vào Công ty của ông Tấn là 2 tỷ đồng, ông Tiến 2 tỷ đồng, ông Hòa 3 tỷ đồng và ông Tỵ không thấy thể hiện giá trị cổ phần trên Giấy đăng ký kinh doanh.
Đến ngày 2-4-2014, UBND T.P Hà Nội mới có quyết định thu hồi 50.280m2 đất tại thôn Lai Sơn cho Công ty gốm Bắc Sơn thuê để xây dựng Nhà máy gạch. Nhưng Nhà máy này đã đi vào hoạt động từ năm 2013. Tại buổi làm việc với phóng viên ngày 19-7-2017, ông Nguyễn Hữu Lý - cán bộ Thanh tra Xây dựng huyện Sóc Sơn khẳng định: Nhiều lần chúng tôi vào kiểm tra, nhưng doanh nghiệp không xuất trình được giấy phép xây dựng.
Vì những dấu hiệu “lạ” trong vụ việc này nên thiết nghĩ UBND T.P Hà Nội sớm giao cho Thanh tra thành phố kiểm tra, làm rõ. Tránh để người dân ở địa phương thì bị mất đất, không được đền bù; còn người ở địa phương khác đến “bỗng dưng” được trục lợi, làm giàu trên tài sản của người khác, có sự giúp sức của một số cán bộ địa phương trước đây.
Bài và ảnh: Chính Nhi