Trở lại bài viết “Ngõ chung sao nỡ cấm nhau đi” tại quận Thanh Xuân (Hà Nội): Ngõ 92 không thuộc quyền sử dụng của riêng ai!

8 năm về trước, Báo CCB Việt Nam từng phản ánh về việc 18 hộ dân ngõ 92 Vương Thừa Vũ, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, T.P Hà Nội không cho hộ gia đình bà Lưu Thị Bích Nụ và ông Lê Văn Ngọ trổ cửa, mở lối đi ra ngõ với lý do ngõ đi chỉ dành riêng cho 18 hộ và là đất Quân đội quản lý. Sau đó, diện tích này bà Nụ và ông Ngọ bán lại cho người khác và “điệp khúc” cấm trổ cửa ra ngõ với chủ đất mới lại… tái diễn. Vì sao có chuyện như vậy, đây có phải là ngõ đi riêng của các hộ dân ngõ 92?

Nguồn gốc đất... hợp pháp

Ngày 12-9-2001, ông Lê Văn Ngọ và bà Lưu Thị Bích Nụ (trú tại số nhà 108C Vương Thừa Vũ) được cấp sổ đỏ 72,1m2. Đến  năm 2011, bà Nụ và ông Ngọ làm thủ tục tách 40,4m2 cho người con trai là Lê Nọc Tú, phần diện tích còn lại 31,7m2 đứng tên hai ông bà.

Năm 2013, do nhu cầu cấp bách trong cuộc sống, bà Nụ ông Ngọ chuyển nhượng 31,7m2 cho ông Giang Vĩnh Thịnh. Hai bên đã làm thủ tục sang tên và ngày 12-6-2013, UBND quận Thanh Xuân cấp sổ đỏ số BN 391754, thuộc thửa số 7(11) cho ông Thịnh.

Trước khi ông Thịnh nhận chuyển nhượng thửa đất, UBND quận Thanh Xuân đã cấp Giấy phép xây dựng (GPXD) cho chủ cũ. Theo đó, khi xây dựng, chính quyền cho phép mở cửa ra ngõ 92 Vương Thừa Vũ, vì không còn hướng nào khác để mở cửa đi lại (diện tích phía trong thuộc đất ông Ngọ, bà Nụ đã tách cho anh Lê Ngọc Tú).

Tuy nhiên, khi tiến hành mở cửa ra ngõ 92 đã vấp phải sự phản ứng của một số người dân ngõ này (trong đó đa phần là các các cán bộ quân đội về hưu) một mực không cho trổ cửa với lý do đất của Quân đội quản lý và chỉ cấp dành riêng cho 18 hộ dân đi lại?!

Sự việc sau đó được rất nhiều cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn của phường Khương Trung, của quận Thanh Xuân… vào cuộc giải quyết suốt trong thời gian qua.

Đáng chú ý, HĐND quận Thanh Xuân trong những lần trả lời, tiếp xúc cử tri cũng yêu cầu UBND quận Thanh Xuân giải quyết dứt điểm vụ việc này trong quý I-2019. Đặc biệt, trong thời gian qua, UBND T.P Hà Nội đã 6 lần có công văn gửi UBND quận Thanh Xuân, xác định thẩm quyền giải quyết vụ việc thuộc UBND quận và đề nghị UBND quận Thanh Xuân giải quyết dứt điểm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến nay, đã hơn 6 năm, gia đình ông Giang Vĩnh Thịnh vẫn chưa được cấp GPXD mở cửa ra ngõ 92 Vương Thừa Vũ.

Trao đổi với PV, ông Giang Vĩnh Thịnh buồn bã nói: Hơn 6 năm qua là chủ nhà - đất, nhưng tôi không được ở trên nhà đất của mình đã bỏ tiền ra mua; đồng nghĩa hơn 6 năm qua tôi phải vật lộn đi thuê nhà để ở, đến nay chi phí cho việc thuê nhà quá tốn kém, thiệt hại kinh tế không hề nhỏ…

“Phép vua thua lệ làng”?

Để cầu cứu vụ việc này, trong thời gian qua ông Giang Vĩnh Thịnh bỏ nhiều công sức đi gõ cửa các cơ quan chức năng và nhờ vả cơ quan tư vấn pháp luật cách thức giải quyết vụ việc.

Ngoài những văn phòng luật sư trợ giúp, 2 năm gần đây, Trung tâm Tư vấn pháp luật (gọi tắt là Trung tâm) của Viện Pháp luật Nhà nước đã vào cuộc giúp ông Thịnh và có những ý kiến quý báu giúp cho chính quyền, người dân ngõ 92 và dư luận bạn đọc nhìn ra đúng bản chất sự việc.

Mới đây nhất, ngày 14-5-2019, Trung tâm có văn bản gửi UBND quận Thanh Xuân. Cụ thể, phía Trung tâm cho rằng, vụ việc ông Thịnh nhận chuyển nhượng đất của bà Nụ và ông Ngọ là đúng theo quy định của pháp luật. Ông Thịnh thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước và UBND quận Thanh Xuân đã cấp sổ đỏ cho ông Thịnh. Theo quy định Điều 188 Luật Đất đai 2013, ông Thịnh có đầy đủ các quyền sử dụng hợp pháp thửa đất ông mua của bà Nụ - ông Ngọ và theo quy định của pháp luật xây dựng, quy hoạch đô thị ông Thịnh có quyền được xây dựng nhà ở trên thửa đất này của mình.

Bên cạnh đó, hồ sơ cho thấy thửa đất của ông Thịnh mua lại từ bà Nụ - ông Ngọ đáp ứng đầy đủ điều kiện cấp GPXD quy định tại Điều 93 Luật Xây dựng năm 2014 và các văn bản pháp lý liên quan. Hơn nữa, thực tế diện tích 31,7m2 này trước đó năm 2011, UBND quận Thanh Xuân đã cấp GPXD mở cửa ra ngõ 92 Vương Thừa Vũ cho gia đình bà Nụ (là chủ đất cũ). Việc gia đình bà Nụ chuyển nhượng thửa đất cho ông Thịnh có nghĩa là ông Thịnh có quyền được cấp lại GPXD mở cửa ra ngõ 92 Vương Thừa Vũ theo quy định của pháp luật.

Cũng cần phải nói thêm rằng ngõ 92 Vương Thừa Vũ không thuộc quyền quản lý, sử dụng riêng của 18 hộ dân trong ngõ bởi các lý do sau: Một là sổ đỏ của 18 hộ dân không thể hiện ngõ này thuộc quyền sử dụng chung của 18 hộ dân. Cũng không có một giấy tờ pháp lý nào chứng minh ngõ 92 Vương Thừa Vũ thuộc quyền sử dụng hợp pháp và là ngõ đi riêng của 18 hộ dân. Càng minh chứng hơn nữa là, trong ngõ này không chỉ có 18 hộ dân (đối diện nhà ông Thịnh) sinh sống, mở cửa ra ngõ mà còn nhiều hộ gia đình khác cùng dãy nhà ông Thịnh cũng đã mở của ra ngõ này. Tại bản đồ địa chính năm 1994 của phường Khương Trung và Sơ đồ phân đất do Bộ Tư lệnh Thủ đô gửi UBND quận Thanh Xuân đều thể hiện ngõ 92 là ngõ đi chung do UBND phường Khương Trung quản lý.

Vẫn theo ý kiến tham vấn của Trung tâm Tư vấn pháp luật thì việc cấp phép xây dựng cho ông Giang Vĩnh Thịnh mở cửa ra ngõ 92 Vương Thùa Vũ không ảnh hưởng, xâm phạm gì đến quyền và lợi ích của các hộ dân trong ngõ. Việc các hộ dân có ý kiến không đồng ý cho việc cấp GPXD của hộ ông Thịnh là cản trở quyền có chỗ ở, quyền được có lối đi qua của công dân…, là vi phạm pháp luật và xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Thịnh và gia đình ông.

Đáng chú ý, kể từ khi ông Thịnh nhận chuyển nhượng nhà đất từ bà Nụ - ông Ngọ, ông Thịnh không có hành vi gây rối trật tự công cộng hay xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ gia đình, cá nhân trong ngõ 92 Vương Thừa Vũ!

Theo Khoản 3, Điều 103 Luật Xây dựng năm 2014 thì thẩm quyền cấp GPXD trong trường hợp này thuộc về UBND quận Thanh Xuân. Tuy nhiên, đến nay không hiểu sao UBND quận Thanh Xuân vẫn chưa thể cấp GPXD cho ông Giang Vĩnh Thịnh?

Vì vậy, để giải quyết dứt điểm vụ việc này, Trung tâm Tư vấn pháp luật cho rằng UBND quận Thanh Xuân cần đảm bảo nguyên tắc pháp chế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và giảm thiểu tối đa thiệt hại cho công dân; thực hiện cấp GPXD cho gia đình ông Giang Vĩnh Thịnh theo quy định và xử lý nghiêm minh các hành vi gây rối trật tự công cộng; cản trở quyền sử dụng đất, quyền có chỗ ở, quyền có lối đi qua hợp pháp của công dân, không tiếp tục kéo dài thêm vụ việc này. Bên cạnh đó các cấp, các ngành từ phường Khương Trung đến quận Thanh Xuân, T.P Hà Nội và T.Ư trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hiệu quả việc thực hiện quản lý đất đai ở quận Thanh Xuân, trong đó có vụ việc của gia đình ông Giang Vĩnh Thịnh như nêu trên…

Tư Hoành