Triều Tiên: “Khúc xương” hóc của tổng thống Donald Trump
Ngay tư khi tranh cử, rồi trúng cử, nhậm chức, Tổng thống Donald Trump luôn nhắc đi nhắc lại đại ý: Sự yếu đuối và bạc nhược của cựu Tổng thống Obama là nguyên nhân chính làm cho Triều Tiên leo thang trong các hành động gây hấn quân sự của mình thông qua các vụ thử tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân.
Trong số đó có thể kể tới tên lửa Taepo Dong 2 mà theo đánh giá của giới quân sự, thì loại tên lửa này của Triều Tiên có khả năng huỷ diệt toàn bộ vùng bờ Đông của Mỹ với dân số hơn 120 triệu người.
Tất nhiên, với tính cách mạnh mẽ của một doanh nhân gạo cội, kể từ khi nhậm chức Tổng thống Trump đã có rất nhiều hành động ngoại giao, kinh tế lẫn cả quân sự để uy hiếp Triều Tiên. Trong đó có cả việc doạ đồng minh số một của Triều Tiên là Trung Quốc rằng, nếu như Chủ tịch Tập Cận Bình không có những động thái tích cực để “răn đe” ông Kim Jong Un về tham vọng hạt nhân của mình, thì một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ nổ ra...
Không những thế, ngay trước khi tiếp Chủ tịch Trung Quốc tại dinh thự xa hoa của mình ở Florida, ông Trump còn chơi “đòn gió” một cách khéo léo bằng cách ra lệnh cho quân đội Mỹ bắn hơn 50 quả tên lửa Tomahawk vào Syria.
Bằng hành động này ông Trump muốn thể hiện mình là người “nói luôn đi đôi với làm” và gửi một thông điệp tới chủ tịch Tập Cận Bình rằng, “nếu cần tôi sẽ ra lệnh tấn công Triều Tiên như đã làm với Syria”. Thậm chí trong các phát ngôn sau này ông Trump còn doạ sẽ tiến hành đánh phủ đầu, nếu như tình báo Mỹ phát hiện ra bất kì động thái nhỏ nhất nào của Bắc Triều Tiên có ý định thử tên lửa tầm xa nhắm vào nước Mỹ.
Tưởng chừng trước những đe doạ mạnh mẽ từ nhiều phía như vậy thì Triều Tiên sẽ phải xuống thang quân sự, nhưng ngay sau đó, đi kèm với những phát ngôn vô cùng mạnh bạo để đáp trả thì Triều Tiên ngay lập tức tiến hành những vụ phóng tên lửa tầm xa có quy mô ngày một lớn hơn. Thậm chí như để trêu ngươi ông Trump và chế nhạo sức mạnh Mỹ, thì vào đúng ngày 4-7-2017, Chủ tịch Kim còn ra lệnh phóng tên lửa để “làm quà Quốc khánh” cho nước Mỹ.
Đứng trước hoàn cảnh như vậy, ông Trump cùng với các quan chức ngoại giao trong Chính phủ của mình đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” lên báo chí với bài doạ dẫm quen thuộc rằng, hành vi của Bắc Triều Tiên thế là hiếu chiến, đe doạ mối an ninh tại Đông Á...
Tóm lại, hoàn toàn là những lời nói không có chút sức nặng nào đủ để cho Bắc Triều Tiên sợ trong những hành động của mình.
Giờ đây sau một thời gian lên gân, ông Trump đã phải nhún lại khi nhận ra được sự thật nghiệt ngã về cái gọi là sức mạnh nước Mỹ và sự kiên cường của anh “bé hạt tiêu” Triều Tiên. Có thể nói trong ván bài này ông Trump hoàn toàn rơi vào thế bị động và chỉ là bên nắm đằng lưỡi, ngược lại Triều Tiên làm chủ cuộc chơi, vì họ quá hiểu điểm yếu của nước Mỹ ở chỗ nào.
Kể cả trong trường hợp xấu nhất khi căng thẳng giữa hai phía đẩy lên tới mức mà Triều Tiên phải khai hoả tấn công trước- những đầu đạn tên lửa yếu ớt và lạc hậu của họ hoàn toàn không có cơ hội trước hệ thống tên lửa đánh chặn hiện đại ICBM của Mỹ thì cũng không sao. Vì mục tiêu của Triều Tiên không phải là nước Mỹ xa cách ngàn dặm, mà lại là hai quốc gia láng giềng Hàn Quốc và Nhật Bản. Mà ngoài vũ khí hạt nhân với tên lửa đạn đạo tầm xa, pháo binh Triều Tiên được coi là lực lượng cực kỳ nguy hiểm. Họ là một trong những quốc gia có tiềm lực pháo binh đáng gờm nhất thế giới. Trong biên chế Triều Tiên có rất nhiều chủng loại pháo, nhất là pháo tự hành đáng sợ M178 Koksan. Với cỡ nòng lên tới 170mm. Những khẩu pháo này đặt trên khung xe tăng T59 (biến thể T54/55) do Trung Quốc sản xuất có thể phóng quả đạn đi xa tới 60km. Đây cũng được coi là khẩu pháo có cỡ nòng lớn nhất trên thế giới hiện nay. Nếu bị Mỹ tấn công, thì chắc chắn ngay lập tức Hàn Quốc sẽ là nơi Triều Tiên trút giận bằng cơn mưa đạn pháo.
Với tầm bắn xa như vậy, thủ đô Seoul của Hàn Quốc có thể sẽ chìm vào biển lửa. Tất nhiên số phận của Nhật Bản cũng chả sáng sủa hơn mấy so với Hàn Quốc, nếu như Triều Tiên đã ra tay tấn công.
Mà, Hàn Quốc và Nhật Bản hiện tại cũng giống như “Bá Kiến” trong Tiểu thuyết “Chí Phèo” nổi tiếng của Nam Cao. Được ăn sung mặc sướng, sống trong hoà bình cũng đã lâu, nên nhuệ khí chiến tranh của hai quốc gia này cũng đã giảm sút và suy tàn đi nhiều phần. Ngược lại, Bắc Triều Tiên từ nhiều năm nay lại bị Mỹ và nhiều quốc gia cô lập, vây hãm đã vô hình trung “hun” nóng thêm ngọn lửa tinh thần dân tộc quyết giữ chủ quyền của Triều Tiên, cao đến mức không hề ngại chiến tranh.
Bởi vậy, cho dù thực sự có muốn tấn công Triều Tiên đi chăng nữa, thì ông Trump cùng cỗ máy chiến tranh của mình cũng không thể.
Cũng phải nhấn mạnh tới vai trò của Trung Quốc trong chuyện này. Có thể nói Triều Tiên có một ví trí địa chiến lược vô cùng quan trọng đối với Trung Quốc, đặc biệt trước tình hình mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Hàn Quốc – Nhật Bản đang ngày càng dâng cao vì những bất hoà trong quá khứ.
Đó là chưa kể hai quốc gia này lại là nơi quân đội Mỹ đóng quân và đồn trú. Nếu như chiến tranh xảy ra thì nước Mỹ sẽ có cớ đem quân vào, và với ưu thế quân sự tuyệt đối của Mỹ, Triều Tiên chắc chắn sẽ là bên thua cuộc. Triều Tiên vào tay Mỹ, Trung Quốc như bị một nhát dao thọc sau lưng.
Vì thế mà, nếu nước Mỹ tính tấn công Triều Tiên thật sự, Trung Quốc cũng sẽ phải nhảy vào tham chiến. Lúc đó, một cuộc chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ là điều không thể tránh khỏi. Bởi vậy, chiến tranh giữa Mỹ và Triều Tiên là điều mà Trung Quốc không bao giờ mong muốn.
Mà lâu nay, Chủ tịch Kim Jong Un cũng như các thế hệ lãnh đạo trước đây của Triều Tiên không phải là những người dễ bị các nước, kể cả nước láng giềng dắt mũi. Bằng chứng là trong chiến lược bảo vệ tổ quốc, Triều Tiên đã âm thầm phát triển hệ thống tên lửa hạt nhân của chính mình làm đối trọng với cả Mỹ lẫn Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình tuy đã dùng mọi biện pháp cả đe doạ lẫn mềm mỏng để bắt Triều Tiên phải từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình, nhưng đều vô ích trước ý chí không chịu khuất phục của ông Kim Jong Un.
Có thể nói lãnh đạo Triều Tiên đã đánh một ván cờ tuy liều lĩnh và đầy mạo hiểm. Nhưng xem ra, cả Mỹ và Trung Quốc đều đã bị chiếu tướng.
Phương Nga