Triều Tiên gồng mình trước các đòn trừng phạt
Ngay sau đó, Hoa Kỳ, Hàn Quốc… cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt của riêng họ. Hoa Kỳ đã quyết định bổ sung 5 thực thể của Triều Tiên vào danh sách trừng phạt, gồm Ủy ban Quốc phòng (cơ quan quyền lực cao nhất của nước này), Học viện Khoa học quốc phòng, Bộ Công nghiệp Năng lượng nguyên tử, Cơ quan Phát triển hàng không vũ trụ quốc gia và Ủy ban Quân sự TƯ Đảng Lao động Triều Tiên. Trong số 11 cá nhân bị đưa vào “danh sách đen” của Hoa Kỳ có cả ông Hwang Pyongso-Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Triều Tiên, nhân vật được xem là quyền lực thứ hai tại nước này. Đáng chú ý, Nghị quyết của HĐBA (do Hoa Kỳ soạn thảo) được thông qua sau những “tham vấn”, “nghiên cứu kỹ”-thực chất là những nhượng bộ, tính toán của Trung Quốc. Là thành viên thường trực HĐBA cũng là một bên tham gia đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Trung Quốc từ nhiều năm nay là nhà bảo trợ chính cho vấn đề Triều Tiên và do vậy thường bênh vực hoặc nhẹ tay với Bình Nhưỡng. Theo các nhà phân tích, với việc ủng hộ những biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất đối với Triều Tiên, Bắc Kinh dường như muốn ngầm thỏa thuận với Washington ngừng triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD ở Hàn Quốc. Bắc Kinh cho rằng, việc triển khai THAAD sẽ phá hoại lợi ích an ninh của Trung Quốc, gây mất ổn định trong khu vực, do vậy tìm mọi cách ngăn cản dự án này.
Ngay lập tức, Triều Tiên có phản ứng mạnh mẽ. Cùng với vụ bắn 6 vật thể tầm ngắn ra bờ biển phía Đông, ngày 4-3, nhà lãnh đạo Triều Tiên-Kim Jong Un khẳng định, Bình Nhưỡng sẽ “sẵn sàng sử dụng các loại vũ khí hạt nhân bất cứ lúc nào và đây là thời điểm để thay đổi cách thức phản công, đối phó với kẻ thù trên mọi mặt trận”. Đáp lại cuộc tập trận chung Hoa Kỳ-Hàn Quốc bắt đầu vào ngày 7-3 với sự tham gia của khoảng 15.000 binh sĩ Hoa Kỳ, Triều Tiên đã phát lệnh tổng động viên tất cả thanh niên đăng ký gia nhập lực lượng quân đội và mọi công dân dưới 40 tuổi tái ngũ.
Để làm dịu tình hình, Trung Quốc lại lên tiếng kêu gọi các bên thận trọng và kiềm chế để tránh làm leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, sao có thể tránh được “leo thang và căng thẳng” khi một nước nhỏ cảm thấy bị cô lập và rơi vào tình trạng bị “đánh hội đồng”. Vấn đề hạt nhân Triều Tiên do vậy sẽ chưa thể có lối ra một khi các cường quốc chưa tôn trọng đầy đủ các lợi ích cốt lõi của quốc gia Đông Bắc Á này.
Nguyễn Đăng Song