Triển lãm tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa (22/01/2013)
Lần đầu tiên những tư liệu cổ quý, những đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng.
Triển lãm thu hút hàng trăm học sinh, sinh viên, bộ đội Vùng C Hải Quân và đông đảo người dân Đà Nẵng, các nhân chứng Hoàng Sa đã đến xem triển lãm, để thêm lần nữa hiểu và tự hào về chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Nội dung triển lãm bao gồm bốn phần chính: Tài liệu của Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Xã hội Đà Nẵng; Tài liệu bản đồ của ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa và giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ sưu tầm và gửi tặng; Tư liệu do Công an TP Đà Nẵng cung cấp; Tư liệu từ kết quả Đề tài nghiên cứu khoa học “Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các tư liệu của Chính quyền Việt Nam cộng hòa qua các tư liệu lưu trữ của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa (1954-1975).
Theo Tiến sỹ Trần Đức Anh Sơn, Phó viện trưởng, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Xã hội Đà Nẵng, Viện đã chọn lọc từ đề tài nghiên cứu “Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa - TP Đà Nẵng” do Viện thực hiện trong hai năm 2010-2011, quyết định triển lãm 95 bản đồ đã sưu tầm được nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và một phần liên quan và chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này trong 102 cuốn sách xuất bản tại các nước phương Tây ở các thế kỷ 18-19. Những cuốn sách này được ấn hành bằng các ngôn ngữ Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Ý và Hà Lan.
Một số bản đồ cổ do Việt Nam và các nước khác, trong đó có cả Trung Quốc, thực hiện trong lịch sử đã thể hiện hai điều: Thứ nhất, người Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên biển Đông. Thứ hai, cương vực quốc gia của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Tiêu biểu như Bản đồ “Thiên Nam tứ chí lộ đồ” do Đỗ Bá Công Đạo, một người quê ở huyện Thanh Chương, Nghệ An, thể hiện địa danh Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) vào năm 1686. Các triều đại kế tục, đặc biệt là các chúa Nguyễn và vua nhà Nguyễn, đã tổ chức đo đạc, vẽ bản đồ để quản lý lãnh thổ quốc gia, trên bản đồ này đều có thể hiện hình vẽ hoặc ghi chú địa danh Hoàng Sa, Vạn Lý Trường Sa.
Có 30 trong số 150 bản đồ và ba cuốn atlas do ông Trần Thắng, Chủ tịch hội Văn hóa và giáo dục Việt Nam tại Hoa Kỳ, tìm kiếm, sưu tập và gửi tặng Đà Nẵng. Đây là loạt bản đồ được xuất bản ở các nước và vùng lãnh thổ: Anh, Ðức, Úc, Canada, Mỹ và Hong Kong trong khoảng thời gian 1626-1980, trong đó có nhóm bản đồ ghi nhận lãnh thổ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam; nhóm bản đồ thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm sát lãnh thổ Việt Nam, nhóm bản đồ thương mại, bản đồ hàng hải châu Á và Đông Nam Á có thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa trong vùng lãnh hải của Việt Nam.
Ba tập atlas là do chính Trung Quốc xuất bản trong các năm 1908, 1919 và 1933, rất có giá trị trong việc phản biện những đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Các atlas này là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra vào năm 1906 và được Chính phủ Trung Hoa dân quốc kế tục vào các năm sau đó.
Các bản đồ được lập chi tiết ở từng tỉnh, thể hiện rõ các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh thành của Trung Quốc. Nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì không được thể hiện trên các bản đồ trong atlas. Vì thế mà cương giới cực nam của Trung Quốc trong các atlas này luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, không hề đả động gì đến Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Điều này chứng tỏ một sự thật hiển nhiên: cho đến khi nhà Thanh phát hành các atlas này vào năm 1908 và sau này chính quyền Trung Hoa dân quốc tái bản vào các năm 1919 và 1933 thì hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vẫn nằm ngoài cái gọi là “chủ quyền lịch sử” phi pháp của Trung Quốc.
“Thông qua triển lãm trưng bày bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, người Đà Nẵng nói riêng và người dân Việt Nam nói chung sẽ thêm một lần nữa hiểu rõ về lịch sử dân tộc, tự hào vì chủ quyền biển đảo Việt Nam. Khi những tài liệu quý này được công bố, cũng góp phần thể hiện tiếng nói của Việt Nam đối với thế giới, rằng không có gì thay đổi được những minh chứng lịch sử này, rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, tiến sỹ Trần Đức Anh Sơn khẳng định.
Say sưa xem lại toàn bộ bản đồ được trưng bày tại triển lãm, nhân chứng Hoàng Sa Phạm Khôi, 71 tuổi, trú phường Thạch Thang, TP Đà Nẵng - người từng vẽ lại Bản đồ quần đảo Hoàng Sa được vẽ bằng trí nhớ để tặng UBND huyện đảo Hoàng Sa - xúc động nói: “Thật tự hào về biển đảo Việt Nam. Giờ được xem lại những tấm bản đồ quý về Hoàng Sa, Trường Sa, lòng tôi đầy xúc động. Hồi tôi ra đảo, cảm giác đầu tiên hạnh phúc vì được tận mắt nhìn ngắm vẻ đẹp bình yên và hoang sơ của đảo. Nhờ vậy mà anh em đã vượt qua được nhiều thiếu thốn, khó khăn, để hoàn thành mục đích lớn phải bảo vệ đảo. Là người Việt Nam, đảo Hoàng Sa là của Việt Nam. Thế hệ các cháu bây giờ và mai sau phải luôn ghi nhớ điều đó để cùng nhau bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc”.
Còn em Hà Thị Minh Hồng, học sinh lớp 8 trường Nguyễn Huệ, TP Đà Nẵng đã không thể bỏ qua những tấm bản đồ quý. Em chia sẻ: “Chúng em được đọc nhiều trong sách lịch sử, những bây giờ có được những bản đồ này, em chụp lại làm tư liệu cho riêng mình để học giỏi hơn môn lịch sử”.
Ông Đặng Công Ngữ, Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa bày tỏ: “Triển lãm những tư liệu quý về chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa đúng dịp mùa xuân mới Qúy Tỵ, mong rằng những tư liệu quý này sẽ tiếp thêm động lực để người dân Đà Nẵng và cả nước luôn tự hào về chủ quyền biển đảo Việt Nam. Đặc biệt, thế hệ trẻ hôm nay sẽ tiếp nối thành quả của cha ông đi trước để tiếp tục dựng xây quê hương, đất nước”.
Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 20-2-2013
Theo NDĐT
(TH)