Triển lãm 90 bức ảnh chưa từng được công bố về cồng chiêng Tây Nguyên (06/11/2009)
90 bức ảnh phản ánh những nét độc đáo trong nghệ thuật cồng chiêng tại các làng người Ba Na, Gia Rai, M'Nông Gar chụp từ thế kỷ trước, được tuyển chọn từ các kho lưu trữ của Pháp gồm: tư liệu của Viện Viễn Đông bác cổ, Hội Thừa sai Paris, Bảo tàng Quai Branly. Những bức ảnh do các viên chức thuộc địa, sĩ quan quân đội, các nhà truyền giáo và học giả Pháp chụp trong khoảng từ những năm 30 đến những năm 60 của thế kỷ 20; thể hiện sự quan tâm của người Pháp đối với nghệ thuật cồng chiêng và tập quán sử dụng cồng chiêng của các cư dân Tây Nguyên. Với sự giúp đỡ của bà Christine Hemmet, chuyên gia của Bảo tàng Quai Branly (Paris), nội dung trưng bày được xây dựng và tổ chức thành 4 phần.Phần thứ nhất: Dàn nhạc cồng chiêng, là những bức ảnh cho thấy cơ cấu của dàn nhạc bao gồm cồng, chiêng, trống và chũm choẹ. Phần thứ hai: Tập quán gõ cồng chiêng, chủ yếu là các ảnh thể hiện cách thức gõ cồng và chiêng. Phần thứ ba: Bối cảnh âm nhạc cồng chiêng, giới thiệu các nghi lễ có sử dụng cồng chiêng, như tang ma, hiến sinh trâu, đón tiếp “vua Lửa” và các nghi lễ gia đình khác. Phần cuối cùng: Vượt khỏi truyền thống, cho thấy từ lâu trong đời sống âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên đã du nhập những yếu tố mới, như: diễn tấu cồng chiêng để đón tiếp một bà xơ Công giáo, một quan chức người Pháp hay người Kinh...
Lễ trưng bày Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên diễn ra nhân dịp Liên hoan quốc tế âm nhạc cồng chiêng được tổ chức tại Tây Nguyên và kéo dài trong 3 tháng.
Thanh Hương