Tranh sơn dầu "Bác Hồ đến thăm gia đình nông dân" của họa sĩ Nguyễn Văn Thiện và Mai Văn Nam.

Sáng 30-8, tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức khai mạc triển lãm “Nhớ về Bác”.

Triển lãm giới thiệu 50 tác phẩm nghệ thuật đa dạng về thể loại: Hội họa, đồ họa, điêu khắc, áp phích, cùng nhiều chất liệu khác nhau như: Sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ, bột màu, màu nước… được 39 họa sĩ, nhà điêu khắc thuộc nhiều thế hệ sáng tác trước và sau khi bản Di chúc thiêng liêng của Bác ra đời.

Chân dung Bác Hồ với vầng trán cao, ánh mắt sáng, chòm râu bạc, nụ cười hiền được các họa sĩ thể hiện chân thực, dung dị qua các tác phẩm: “Chân dung Bác” của họa sĩ Trần Văn Cẩn; “Bác Hồ” của họa sĩ Lê Lam; “Hồ Chủ tịch” của họa sĩ Nguyễn Thế Vinh...

Tranh sơn dầu "Giải phóng quân thăm nhà Bác".

Hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại với tác phong làm việc khoa học, vừa làm vừa học hỏi, luôn sâu sát với thực tiễn được thể hiện rõ nét trong tác phẩm “Bác Hồ làm việc ở Việt Bắc” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ; “Đêm nay Bác không ngủ” của Nguyễn Nghĩa Duyện; “Bác đi công tác” của Trần Đình Thọ...

Lúc sinh thời, Bác luôn dành tình cảm và sự quan tâm tới mọi tầng lớp nhân dân. Đáp lại tình cảm đó của Người, đồng bào cả nước luôn hướng về Bác với tình cảm chân thành và nỗi nhớ mong da diết được thể hiện trong tác phẩm “Giải phóng quân thăm nhà Bác” của Văn Giáo; “Đền thờ Bác Hồ trong rừng đước mũi Cà Mau” của Nguyễn Văn Bình...

Tác phẩm tranh sơn dầu "Nghe lời Bác dạy".
Tác phẩm tranh sơn dầu "Bác Hồ với nữ chiến sĩ thi đua miền Bắc".
Tranh sơn dầu nhà sàn Bác ở Phủ Chủ tịch của họa sĩ Nguyễn Văn Bình.

Triển lãm “Nhớ về Bác” là tình cảm, là tấm lòng của các nghệ sĩ tạo hình thuộc nhiều thế hệ nhớ về Bác kính yêu với niềm tôn kính nhất. Đó cũng chính là tình cảm, tấm lòng của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đối với vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc, là sự tri ân sâu sắc tới những công lao, cống hiến vĩ đại của Người, thiết thực góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

KHÁNH HUYỀN