Trao quyền cho phụ nữ lập nghiệp
Xuất phát từ thực tiễn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn - Phạm Duy Hưng cho biết: Việc nâng cao thu nhập cho người dân đặc biệt là DTTS rất khó. Ví như, do chưa kết nối được đơn vị tiêu thụ nên điệp khúc “Được mùa mất giá” thường xuyên xảy ra. Nhưng một khi có giải pháp kết nối đối tác hỗ trợ thì chị em phụ nữ hoàn toàn có khả năng phát huy nội lực trong công tác giảm nghèo.
Ông Hưng viện dẫn: Tại huyện Bạch Thông, HTX An Bình (thôn 3B Nà Cà, xã Sỹ Bình) có 30 thành viên là phụ nữ DTTS, nuôi trồng sản phẩm sạch và dịch vụ buôn bán. HTX Thiên An ở thôn Nà Ít, xã Vi Hương, gồm 10 thành viên sản xuất các mặt hàng nông sản sấy khô. Tại huyện Ba Bể, xã Nam Mẫu có nhóm văn nghệ "Rừng Xanh" phục vụ khách du lịch. Thôn Bản Ngù, xã Cao Trĩ có HTX Sang Hà, trồng rau bò khai, tạo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động... Đây đều là những mô hình khá thành công, phần lớn do được chuyên gia tư vấn, tìm kiếm được đơn vị liên kết sản xuất và tiêu thụ.
Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo - Ngô Trường Thi cung cấp thông tin: Hội thi sáng kiến giảm nghèo năm 2016 tổ chức mới đây cho thấy, rất cần kết nối tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cơ quan quản lý để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Có 60 tổ nhóm tham dự hội thi nhưng không tổ nhóm nào bảo thiếu tiền đầu tư mà chỉ hỏi: Làm thế nào để hàng bán được ở Hà Nội và các thị trường lớn? Như vậy, khó khăn lớn nhất của người dân chính là kết nối để tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng cao giá trị.
Cũng theo ông Thi, người dân có thể thoát nghèo hôm nay nhưng ngày mai tái nghèo bởi nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng là do nội lực của chính người nghèo. Ông đặt câu hỏi: Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tại sao làm thay cộng đồng mà không để người dân tự làm? Câu trả lời được chính ông Thi đưa ra: Mỗi dân tộc, địa bàn có những đặc điểm, thế mạnh khác nhau; vì vậy, để người dân quyết định phương thức giảm nghèo, Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ, tạo mối liên kết cho họ
Phó Giám đốc quốc gia của UNDP - Akikô Phugigi cho rằng, đói nghèo không phải bất biến. Điều quan trọng là chính sách hỗ trợ và làm thế nào để trao quyền cho phụ nữ phát triển kinh tế. Bởi, theo bà Akikô, phụ nữ không chỉ dễ tổn thương mà còn là động lực cho sự phát triển.
Tùng Vân