TRAO ĐỔI VỀ PHỐI HỢP TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ: Phối hợp làm dự án tiểu vùng ở Phú Thọ (14/03/2012)
Thực hiện nhiệm vụ trên, tháng 6-2006, Hội CCB và Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh thảo luận, nhất trí chủ trương triển khai dự án sản xuất tiểu vùng với phương châm làm thí điểm rồi rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng, đồng thời phân công Hội CCB chọn địa điểm, chuẩn bị lực lượng, còn Ngân hàng CSXH có trách nhiệm hướng dẫn, thẩm định và đảm bảo vốn vay cho dự án. Năm đó, hai cơ quan triển khai 3 dự án điểm ở 3 xã Hương Cần, Yên Lãng, Yên Lương, mỗi dự án có 50 hộ tham gia, được vay 500 triệu đồng. Lúc đầu mỗi hộ mua 2-3 con bò, trâu nái, sang năm sau số trâu bò mua thêm và sinh sản của 3 dự án đã đạt 500 con. Các hộ còn làm mới và sửa lại hơn 100 chuồng trại nuôi trâu, bò, trồng mới hàng ngàn mét vuông cỏ phục vụ chăn nuôi. Từ kinh nghiệm thành công 3 dự án trên, lãnh đạo Ngân hàng CSXH và Hội CCB tỉnh thống nhất nhân rộng lên 39 dự án sản xuất tiểu vùng, tập trung vào 3 nội dung sản xuất chính là:
-
22 dự án chăn nuôi, chủ yếu là phát triển trâu, bò, lợn sinh sản và lấy thịt, thu hút 609 hộ CCB và dân nghèo, với số vốn được vay là 8 tỷ 385 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 574 lao động.
-
13 dự án nuôi trồng thủy sản, thu hút 335 hộ, tổng số vốn được vay 4 tỷ 820 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 837 lao động, đắp hàng trăm mét khối bờ đập, cải tạo gần 200 ha đầm, ao hồ để thả cá.
-
4 dự án cải tạo đất đồi trồng chè và cây sơn ta lấy nhựa, thu hút 134 hộ, được vay 1 tỷ 900 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 238 lao động, góp phần cải tạo gần 60 ha đồi đang trồng cây sơn, cây chè hiệu quả thấp, thu nhập đạt trên 50 triệu đồng/ha.
39 dự án sản xuất tiểu vùng 5 năm qua (2006-2011) có 8 dự án đã kết thúc, trong đó 3 dự án điểm ở 3 xã Hương Cần, Yên Lương, Yên Lãng sau khi trả đủ vốn và lãi, còn được đàn gia súc gần 500 con cho các hộ vay. 31 dự án còn lại có bình quân 30 hộ/dự án, Ngân hàng CSXH tỉnh cho vay 15 tỷ 105 triệu đồng, bình quân 387 triệu đồng/dự án, tạo việc làm mới và làm thêm cho gần 2 ngàn lao động ở vùng miền núi, nông thôn, giúp được 600 hộ thoát nghèo, gần 400 hộ đủ ăn và kinh tế khá.
Kết quả trên khẳng định: Chủ trương của Ngân hàng CSXH Việt Nam và T.Ư Hội CCB Việt Nam là đúng hướng, góp phần giải quyết việc làm ở nông thôn, đổi mới tư duy làm ăn nhỏ lẻ manh mún, thay đổi cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất tập trung, cải tạo khai thác tiềm năng đất đồi, ao hồ, cây con giống cũ, nuôi trồng cây con giống mới có hiệu quả kinh tế cao, tạo ra lượng hàng hóa lớn tại các vùng miền núi, nông thôn. Dự án sản xuất tiểu vùng không những đem lại kết quả xóa nghèo bền vững, mà còn tạo ra khả năng vươn lên kinh tế khá cho các hộ nghèo, góp phần ổn định tình làng nghĩa xóm.
LÊ HANH