TRẦN ĐĂNG KHOA:

Đoremon không phải là sách nhảm nhí đâu bác ạ.

Không ít người cũng như bác, từng lên án gay gắt, cho đó là sách tuyên truyền bạo lực. Lại có người lấy ngôn ngữ trong bộ sách ra để mổ xẻ phân tích và lên án. Làm gì có cái thứ văn chương nào lại toàn những bùm, rầm, chát, bốp, ối, oái.

Thoạt đầu xem qua cuốn sách, tôi cũng có cảm giác y hệt bác. Nhưng rồi đọc kỹ, đọc một cách bình tĩnh, tôi thấy sự thực lại không phải như người ta đã phê phán.

Đây là tranh truyện chứ không phải truyện tranh. Truyện tranh thì truyện là chính, tranh là phụ. Tranh minh hoạ cho truyện. Còn tranh truyện thì ngôn ngữ chính của cuốn sách là tranh. Ví như Đô rê môn. Ở đó, ngôn ngữ được giản lược đến mức chỉ còn đối thoại và tiếng động. Nó là âm thanh, tiếng động, là ngôn ngữ đối thoại của nhân vật được ghi ra giấy và cũng ghi ở mức tối giản. Nhân vật luôn biến hoá.

Tốc độ cuốn rất nhanh. Ngay trong một trang cũng chứa đầy những đột biến thông minh và bất ngờ. Đó không phải là những bức tranh chết. Các em như được xem một cuốn phim chiếu trên mặt giấy. Những bùm, chát, ối oái kia là âm thanh, tiếng động của phim. Một loạt hành động, cử chỉ nhân vật được đẩy sâu vào cõi tưởng tượng. Các em không còn chỉ đơn thuần xem tranh mà cùng tham gia sáng tạo với các tác giả.

Chính vì thế mà các em thích. Trẻ em thế giới rất thích. Đô rê môn từng gây ra những cơn sốt sách ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng ta quan tâm đến con em chúng ta và tương lai đất nước, các quốc gia khác, họ cũng rất quan tâm đến con em họ và tương lai vận mệnh của đất nước họ. Họ không ngại khi con em họ mê Đô rê mon thì chúng ta cũng chẳng việc gì phải lo lắng quá khi con em ta thích Đô rê mon.

Tôi ngờ rằng nếu có cháu nào hư hỏng thì chắc chúng hư hỏng vì những yếu tố khác chứ quyết không phải chỉ vì mấy cuốn sách này đâu…

TĐK