Tranh chấp Trung - Nhật là 'thùng thuốc súng' (27/02/2013)
"Trong 4 năm trên cương vị trợ lý Ngoại trưởng Mỹ vừa qua, tôi đã đối mặt với rất nhiều tình huống khó, nhưng chưa có tình huống nào khó khăn hơn thế này (tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản)", ông Kurt Campbell cuối tuần qua cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với The Australian.
"Tôi hiếm khi thấy các nhà ngoại giao của cả hai bên đáng sợ hơn thế và cả hai đều không có bất cứ dấu hiệu nào về một sự rút lui hay nhượng bộ”, ông Campbell nói. "Trong môi trường này, nó giống một thùng thuốc súng".
Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền quanh một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư còn Tokyo gọi là Senkaku. Hiện Nhật đang quản lý quần đảo trên thực tế, nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và thường xuyên điều tàu và máy bay chính phủ đến khu vực để khẳng định tuyên bố của mình.
Trong những tuần gần đây, cuộc tranh chấp này đang tiến sát đến bờ vực của một cuộc xung đột vũ trang trên biển.
Washington Post tuần trước dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cáo buộc Bắc Kinh có “nhu cầu thâm căn cố đế” trong việc tạo ra các cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng để khuấy động sự ủng hộ trong nước.
Theo báo này, ưu tiên hàng đầu của ông Abe là "làm cho Trung Quốc nhận thấy rằng họ sẽ không thể thay đổi các quy định hay chiếm lãnh thổ, lãnh hải của nước khác bằng cách cưỡng ép hay dọa dẫm". Đáp lại, Bắc Kinh tuyên bố họ "sốc" trước các bình luận nói trên và yêu cầu thủ tướng Nhật phải giải thích.
Trước đó, Nhật Bản tố cáo tàu hải quân của Trung Quốc cho radar nhắm vào tàu của Nhật, đánh dấu sự đối đầu đầu tiên giữa hải quân đôi bên và cho thấy tình hình xấu đi đáng kể. Trung Quốc cho hay đang điều tra sự việc
Cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ tin rằng, cuộc tranh chấp Trung - Nhật đang thực sự nguy hiểm về mặt quân sự. "Họ là những cường quốc tương xứng. Chúng tôi lo ngại về những diễn biến bất ngờ, không thể dự đoán trước. Cả hai nước đều có lực lượng bảo vệ bờ biển và quân đội luôn sẵn sàng. Chúng tôi kêu gọi cả hai bên hãy quay trở lại đàm phán và đối thoại", ông Campbell nói.
Campbell cũng cho rằng Washington không muốn đứng ra làm vai trò trung gian trong cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông mà chỉ đưa ra “một số ý kiến cũng như sự giúp đỡ” cho cả hai bên.
Ông lo ngại tranh chấp Trung - Nhật sẽ gây ảnh hưởng tới nền kinh tế của cả hai nước và ảnh hưởng lan tới an ninh hàng hải tại các vùng biển xung quanh. Đông Bắc Á hiện tại là "đầu tàu của nền kinh tế toàn cầu" và vị thế này được duy trì dựa trên thiện chí và sự thỏa hiệp giữa Bắc Kinh và Tokyo, ông Campbell cho hay.
Kurt Campbell hôm 8/2 kết thúc nhiệm kỳ trợ lý ngoại trưởng Mỹ và ông vừa thành lập một công ty tư nhân mang tên Asia Group, đồng thời quay trở lại vị trí Chủ tịch của một tổ chức tư vấn do ông sáng lập, Trung tâm An ninh Mỹ mới.
Ông Campbell nổi tiếng là trợ lý Ngoại trưởng phụ trách vấn đề Đông Á có ảnh hưởng nhất kể từ cuối Chiến tranh Lạnh đến nay.
Theo Vnexpress (TH)