Trang trại của anh Đào (30/12/2011)
Nhập ngũ năm 1981, 5 năm phục vụ trong quân đội, phục viên về quê hương năm 1985. CCB Đào đã tận dụng triệt để 10ha đất, anh trồng điều, sắn, chăn nuôi gia cầm, tổng thu nhập hằng năm trên 100 triệu đồng. Nhưng thấy cây điều năng suất thấp, giá không ổn định, anh quyết định phá bỏ, vay vốn, tập trung vào trồng sắn, trồng cỏ để chăn nuôi bò lai và bò sinh sản, tạo việc làm ổn định cho 15 lao động ở địa phương, giúp điều kiện cho 4 hộ CCB thoát nghèo. Được biết trang trại của anh là một mô hình làm ăn rất hiệu quả, chúng tôi đến gặp và được ăn vui vẻ cho biết. Trang trại của anh rất phong phú, ngoài chăn nuôi bò anh còn nuôi cá nước ngọt, nuôi lợn nái, lợn rừng, cừu, đà điều… đặc biệt anh rất chú trọng chăn nuôi bò, anh thực hiện đúng đầy đủ kỹ thuật chăn nuôi bò mà anh đã học được qua các lớp tập huấn của T.Ư Hội CCB Việt Nam, của Phòng NN – PTNT huyện… tổ chức. Đặc biệt anh rất chú trọng đến “Bảo quản, chế biến thức ăn thô nuôi bò”. Thời gian làm cỏ khô tốt nhất là tháng 7 đến tháng 9, lúc cỏ mới ra hoa, sản lượng và thành phần giá trị dinh dưỡng cao. Chú ý theo dõi diễn biến của thời tiết, bố trí đủ nhân lực, phương tiện thu cắt, vận chuyển và cất giữ. Sau khi cắt, tiến hành phơi ngay, thường xuyên đảo cỏ để khô đều và nhanh. Không phơi quá nắng để hạn chế mất các chất dinh dưỡng nhất là các loại vi-ta-min. Khi cỏ đã khô, đánh thành đống như đống rơm để bảo quản, lưu ý nén chặt và che mưa cho cỏ. Nếu chúng ta có điều kiện thì đóng bánh cỏ khô và xây dựng nhà kho dự trữ, bảo quản cỏ. Đây chính là một yếu tố quan trọng đảm bảo nguồn thức ăn cho bò lúc nào cũng dồi dào, đủ chất, bò tăng trưởng tốt.
Nhờ phát triển trang trại hiệu quả anh đã được UBND tỉnh Bình Định tặng bằng khen, 4 năm liền đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện. Năm 2011 anh là đại biểu về dự “Hội nghị toàn quốc lần thứ 3 phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” và được T.Ư Hội CCB Việt Nam tặng Bằng khen.
Thúy Hương