Trăn trở về văn hóa đọc
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, một đất nước muốn phát triển đi lên đều phải thông qua con đường nâng cao tri thức. “Phi trí bất hưng”. Từ xa xưa ông cha ta đã từng dạy thế! Vậy làm thế nào để nâng cao tri thức? Không có sẵn con đường sang trọng nào, cũng không có lối tắt hoặc “đón dầu” nào dẫn ta đến sự hiểu biết, ngoài con đường học tập.
“Học! Học nữa! Học mãi! Học suốt đời” - Bác Hồ kính yêu lúc sinh thời cũng khuyên cán bộ, đảng viên và cả người dân như vậy. Thầy đồ xưa cũng dạy học trò: “Ngọc bất trác bất thành khí. Nhân bất học bất tri lý”, đại ý: Đến như hòn ngọc mà không mài giũa cũng không thành ngọc quý; huống chi con người, không học thì làm sao có được sự hiểu biết.
Nhưng học ở đâu? Học ở trường. Học ở cuộc sống. Đại tỷ phú Bill Gates (Hãng Mai-crô-sốp Mỹ) cho rằng: “Nhà trường chỉ cho ta chiếc chìa khóa của tri thức, còn học trong cuộc sống là công việc cả đời”. Vậy học trong cuộc sống là học thế nào?
Một là học trong sách. Hai là học ở ngoài đời, mà “đời” suy cho cùng cũng được đúc kết vào sách vở. Sách là sản phẩm văn hóa, tinh thần của con người, là kho tàng tri thức của nhân loại. “Không có sách thì không có tri thức. Không có tri thức thì không có Chủ nghĩa xã hội” (Lê-nin). Đọc sách là để nâng cao nhận thức và sự hiểu biết; mặt khác còn là nét đẹp văn hóa, giúp con người ta luôn hướng tới chân - thiện - mỹ. Cách đây hằng trăm năm, Hu-gô (nhà văn Pháp) đã viết: “Đọc sách tạo ra niềm vui cao sang cho con người; đem lại cho con người vẻ vang và tài năng”. Còn A. Blondin thì khuyến cáo: “Kẻ nào không dùng đầu đọc sách thì sẽ dùng chân tay để chỉ huy chính mình”.
Đọc sách quan trọng và bổ ích là vậy! Tiếc rằng ý thức về văn hóa đọc của số đông người dân hiện nay vẫn tỏ ra không thiết tha với sách. Ở lứa tuổi học sinh thì vấn nạn “dạy thêm, học thêm” choán quá nhiều thời gian, khiến các em không còn hứng thú tìm đến sách. Còn ở lứa tuổi người lớn, theo một khảo sát gần đây: Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc và 44% thi thoảng đọc. Đồng thời, thời gian dành cho đọc sách của người Việt thuộc nhóm thấp nhất thế giới và bình quân sức đọc của người Việt vẫn chưa được 1 cuốn sách/năm.
Nhớ lại thời kỳ miền Bắc xây dựng CNXH, một hiệu cắt tóc bên đường cũng có rất nhiều sách, truyện cho khách đọc và cả thuê về nhà. Đi đến thành phố, thị xã (thậm chí cả thị trấn) nào - cũng thấy có “Hiệu sách Nhân dân” “Quốc doanh phát hành sách”. Ở đó chỉ bày bán thuần túy sách, truyện. Ngày nay, mô hình này không còn mấy. Nơi nào còn thì vị trí đầu quầy được ưu tiên cho mặt hàng văn phòng phẩm, Lịch treo tường… Sách truyện bị “mời” vào nằm cuối quầy tít sâu bên trong.
Tôi vẫn còn nhớ như in phong trào đọc sách trong thanh niên, học sinh sau hòa bình lập lại (sau năm 1954). Ngày ấy chưa có nhiều tờ báo như bây giờ. Chúng tôi chuyền tay nhau tập san (nay là tạp chí) Văn nghệ Quân đội, vì trong đó có nhiều truyện ngắn hay, hấp dẫn. Rồi phong trào đọc “Thép đã tôi thế đấy!” “Ruồi trâu”... Đến thời chống Mỹ có phong trào đọc tác phẩm “Sống như Anh” (viết về Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi). Thời kỳ xây dựng hợp tác hóa, cán bộ hợp tác xã nào cũng có trong tay quyển “Chuyện thường ngày ở huyện” hoặc “Chuyện của Bí thư huyện ủy”. Tất cả những sách đó đều là “sách gối đầu giường”, người ta đọc thật sự, thành phong trào hẳn hoi.
Ngẫm xưa. Nghĩ ngay, mà thấy trăn trở! Cũng may là Đảng, Chính phủ đã nhìn thấy căn bệnh lười đọc sách này của dân mình, kịp thời “bắt mạch, bốc thuốc”. Ngày 22-2-2014, Thủ thướng Chính phủ ký Quyết định số 284/QĐ-TTg, lấy ngày 21-4 hằng năm là “Ngày sách Việt Nam”, ngày hội sách của cả nước, nhằm tôn vinh văn hóa đọc của người dân. Nhưng đấy mới là chủ trương, chính sách. Để chủ trương chính sách giàu ý nghĩa nhân văn này đi vào cuộc sống là một nhiệm vụ đầy khó khắn phức tạp, vừa cấp thiết lại vừa mang tính chiến lược lâu dài. Trước mắt, để nâng cao tỷ lệ đọc sách của người dân, đặc biệt của giới trẻ, trách nhiệm không chỉ của gia đình, mà còn phải cả nhà trường nữa. Theo một số chuyên gia giáo dục, bố mẹ nên nỗ lực tạo ra những thói quen đọc sách, chủ động tìm hiểu các loại sách mà trẻ yêu thích, cùng con đọc (ít nhất 30 phút mỗi ngày) và thảo luận những cuốn sách có giá trị. Về phía nhà trường, cần xây dựng 1 tiết học về đọc sách, giới thiệu những cuốn sách hay, diễn thuyết về một cuốn sách kèm theo những phần quà nhỏ. Làm được như vậy, sẽ khiến trẻ yêu thích, muốn khám phá sách, tạo dần thành thói quen đọc sách. Trẻ nhỏ đọc sẽ kéo theo gia đình đọc sách và cả một thế hệ đọc sách bền vững trong tương lai.
Nguyễn Văn Cự