Trăn trở giữ nghề truyền thống

CCB Nguyễn Văn Hòa đang phơi những mặt nạ vừa vẽ xong.
Năm 18 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Văn Hòa lên đường nhập ngũ (tháng 9-1972) thuộc Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 68, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2. Đến năm 1976, ông ra quân và về công tác tại Công ty Rau hoa quả Hà Nội, nay là Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Hà Nội. Sau khi về hưu, với bản chất của người lính Cụ Hồ, lại tâm huyết với nghề cha ông truyền lại, không nỡ để nghề đi vào dĩ vãng, ông Hòa và vợ đã dồn hết tâm sức cho nghề làm mặt nạ giấy bồi.

Vừa tỉ mỉ tô vẽ những hình mặt nạ bồi, ông Hòa vừa nói với tôi: Để làm được một mặt nạ bồi này rất công phu, cẩn thận và cần một chút khéo tay nữa, nhìn rất đơn giản, nhưng khi làm không đơn giản tí nào, người làm phải tuân thủ từng công đoạn. Sản phẩm làm ra phải đảm bảo độ nhẵn, mịn, sơn bóng, đường nét vẽ sắc nét có hồn, mặt nạ dày. Tất cả các công đoạn đều làm thủ công, nhiên liệu hoàn toàn tự nhiên như: Bìa các tông, giấy, bột sắn pha trộn nước lã thành hồ vẽ.Bà Lan tỉ mỉ tô từng lớp hồ cho tượng.
Vì những yêu cầu khắt khe này mà ông bà không thuê người làm. Theo ông Hòa: Họ chỉ làm lấy số lượng mà không đặt chất lượng lên hàng đầu nên phải tự tay mình làm từ chi tiết nhỏ nhất mới yên tâm.

Chính điều này đã tạo nên chất lượng sản phẩm mà khách hàng không quay lưng lại với ông bà. Vợ chồng ông không chỉ làm công việc này trong một hai ngày mà đây là công việc hằng ngày, hằng tháng. Mặt nạ của ông Hòa không chỉ bán trong dịp Tết Trung thu mà bán quanh năm. Ông Hòa nói: Rất nhiều sự kiện, họ đặt mua mặt nạ bồi, các trường học cũng thường xuyên đặt mua các phôi trắng cho học sinh tô, vẽ. Nhiều sự kiện họ còn trực tiếp mời ông Hòa đến hướng dẫn làm mặt nạ bồi.

Hiện nay, ông Hòa đang làm tới 27 mẫu mạt nạ các loại để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài các mẫu mang tính truyền thống như Thị Nở, Chí Phèo, trâu, thỏ, hổ... còn một số mẫu khác như: Siêu nhân, người nhện, Bát man... Nhưng các mẫu truyền thống vẫn là cơ bản, được khách hàng ưa chuộng.

Khi tôi hỏi, động lực nào giúp ông bà duy trì được nghề đến hôm nay? Ông Hòa bình thản trả lời:

  • Cơ bản nhất vẫn là chất lượng cháu ạ! Chất lượng phải đặt lên hàng đầu, sản phẩm mình làm ra vẫn có người mua, khách hàng vẫn ưa chuộng, tin tưởng đặt hàng là động lực thúc đẩy vợ chồng tôi gắn bó, giữ gìn nghề 39 năm nay.

Nhưng trong cuộc trò chuyện với tôi, vợ chồng ông Hòa cũng không giấu được niềm trăn trở: Các con không ai nối nghề của bố mẹ, vậy ai sẽ thay ông bà giữ nghề? Trước đây, ông Hòa bà Lan có dạy cho một số người về nghề này, nhưng họ không đam mê, không có tình yêu nghề, vả lại thu nhập nghề này không ổn định nên mọi người đều bỏ.

Mặt nạ giấy bồi một thời từng là món đồ chơi được ưa chuộng, nhất là trong dịp Trung thu. Đến nay, món đồ chơi truyền thống này đang dần mai một do các loại đồ chơi hiện đại lấn át.

Để khơi dậy những giá trị truyền thống trong ngày Tết Trung thu, ông Hòa nói: “Mua gì thì mua, cũng phải mua một đồ truyền thống, dân gian mới đúng biểu tượng Tết Trung thu của người Việt”.

Minh Vũ