Trận tiến công Yếu khu Kinh quận tháng 12-1974 - Do chủ quan trong bảo mật, phòng gian
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có không ít trận đánh không thành công mà nguyên nhân chủ yếu là do công tác bảo mật, phòng gian. Trận tiến công Yếu khu Kinh quận của Trung đoàn BB 320, Sư đoàn 8, Quân khu 8 diễn ra từ ngày 8 đến ngày 11-12-1974 là một trong những trận đánh như vậy.
Đây là trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng nằm trong đợt hoạt động tác chiến mùa khô 1974-1975 của Quân khu 8 nhằm giành lại địa bàn Vùng 4 Kiến Tường vốn đã bị địch chiếm đóng sau chiến dịch "Tràn ngập lãnh thổ”.
BCH Sư đoàn giao nhiệm vụ cho Trung đoàn BB320 – một trong những đơn vị vào chiến trường miền Nam từ rất sớm (năm 1964), có bề dày truyền thống và đặc biệt là tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm đánh địch trong công sự vững chắc.
Yếu khu Kinh Quận nằm trên một gò đất cao bên bờ kênh Dương Văn Dương, thuộc xã Hậu Thạnh, quận Kiến Bình, tỉnh Kiến Tường (nay là tỉnh Long An). Yếu khu được xây dựng theo hình tứ giác, dài 260 m, rộng 140 m, có hệ thống tường hộp bao quanh cao từ 1,8 đến 2m, bề dày 3 đến 3,5m. Bốn góc có 4 lô cốt hình trụ, đường kính từ 6 đến 7m, 3 lỗ châu mai có thể không chế được các hướng...
Tối ngày 8-12-1974, đúng vào thời điểm các mũi trên các hướng chính và phụ của Trung đoàn BB 320 vừa chiếm lĩnh xong trận địa xuất phát tiến công thì cũng là lúc quân địch lệnh cho các cứ điểm, đồn bốt trên toàn chi khu tăng cường phòng thủ và nâng mức báo động! Cùng thời điểm đó, pháo binh địch từ các trận địa xung quanh thi nhau dội "bão lửa" vào những nơi nghi quân ta ém quân, trong khi Chỉ huy Trung đoàn BB 320 vẫn chưa liên lạc được với hướng chủ yếu của Tiểu đoàn 1 do mạng thông tin hữu tuyến bị gián đoạn, chậm được khắc phục, nên BCH Trung đoàn đành phải lùi thời gian nổ súng so với kế hoạch.
Rạng sáng ngày 9-12, trận đánh chính thức mở màn. Những phút đầu tiên, quân địch trong Yếu khu gần như "im hơi, lặng tiếng" trước hỏa lực áp đảo của các đợt bộc phá phóng và H.12 của Trung đoàn BB 320 cấp tập dội vào.
Nhưng khi quân ta từ các hướng lao lên mở cửa mở, thì mọi trục trặc bắt đầu xuất hiện, như pháo binh chi viện lấy phần tử bắn không chính xác đã bắn nhầm vào trước đội hình bộ binh đang chờ xung phong, gây thương vong cho bộ đội. Tại một số cửa mở điểm hỏa, nhiều quả mìn ĐH.10 và bộc phá đều không nổ… Sau hơn 2 giờ mà vẫn chưa mở được cửa mở, thậm chí có tiểu đoàn còn phải cắt 3 hàng rào nữa...
Trước tình hình đó, BCH Trung đoàn BB 320 đã quyết định thay đổi chiến thuật, chuyển từ đột phá tiến công trực diện sang vây lấn để tiếp tục tiêu diệt bằng được mục tiêu Yếu khu Kinh quận. Nhưng do địa hình trống trải, không quân và pháo binh địch lại đánh rất rát nên việc giãn đội hình để vây lấn gặp rất nhiều khó khăn, đành phải điều chỉnh lại phương án chiến đấu, chuyển hướng tiến công chủ yếu sang hương hướng Tây...
Sáng ngày 11-12, trận đánh lại tiếp tục, nhưng vẫn bị một đơn vị của trung đoàn địch chặn đánh, quân ta đành phải rút lui. Quân tăng viện của địch chớp thời cơ lọt được vào Yếu khu Kinh quận. Cả ngày 11-12, lực lượng hai bên vẫn giằng co ở khu vực cửa mở. Mặc dù pháo binh của ta chi viện hiệu quả, làm cho quân địch ở Khu A phải bỏ chạy dồn sang khu B – nơi có nhiều công sự ngầm vững chắc để ẩn náu.
Thời cơ để ta dứt điểm mục tiêu xuất hiện, nhưng các mũi trên các hướng vẫn cứ loay hoay trước các cửa mở do không thể khắc phục được các vật cản để lọt vào trong Yếu khu. Đến chiều tối cùng ngày, nhận thấy Trung đoàn BB 320 không còn khả năng dứt điểm Yếu khu Kinh Quận, BCH Sư đoàn đành lệnh cho bộ đội rút lui.
Trận đánh không thành công do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do công tác phòng gian, bảo mật đã không được quán triệt và chuẩn bị chu đáo. Đáng chú ý là, trước khi bước vào trận đánh, một cán bộ bị mất cặp tài liệu trong đó có tưởng định của trận đánh. Do bắt được tài liệu này, đối phương đã nắm được ý đồ và kế hoạch của ta; từ đó chúng triển khai các phương án đề phòng và đối phó một cách hiệu quả.
Lẽ ra, biết mất tài liệu, Sư đoàn phải cho dừng ngay trận đánh, hoặc thay đổi phương án tác chiến cũng như làm lại công tác chuản bị, nhất là công tác trinh sát nắm địch, nhưng do chủ quan khinh địch, coi nhẹ công tác bảo mật, phòng gian, Trung đoàn vẫn tổ chức trận đánh theo phương án đã được Sư đoàn thông qua, dẫn đến không thành công.
Cái giá phải trả cho trận đánh khá đắt, bộ đội thương vong nhiều, khí tài hao hụt… mà chủ yếu xuất phát từ sự yếu kém của công tác lãnh đạo, chỉ huy các cấp.
Đây cũng là bài học sau này được đơn vị rút kinh nghiệm nhiều lần để tổ chức các trận đánh sau mang lại hiệu quả cao hơn.
Việt Anh