Trận tiến công giải phóng Hải Lăng (12/04/2012)

Tháng 10-1961, ông được cử đi học tại Học viện Xe tăng - Thiết giáp ở Sơn Tây (Trung Quốc) rồi liên tục công tác, chiến đấu và trưởng thành, là Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Binh chủng Tăng - Thiết giáp và nghỉ hưu năm 1995. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Quảng Trị (1972 - 2012), chúng tôi đã đến thăm ông tại phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Ông bồi hồi kể lại trận tiến công giải phóng quận lỵ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị của Trung đoàn xe tăng 202, khi đó ông là Tham mưu trưởng trung đoàn.

Quận lỵ Hải Lăng nằm trên quốc lộ 1A, cách thị xã Quảng Trị 10km về phía đông nam. Sau khi các căn cứ ở Đông Hà, Ái Tử, La Vang bị tiêu diệt và thị xã Quảng Trị bị uy hiếp, địch tập trung quân về Hải Lăng gồm Liên đoàn biệt động quân số 4 và số 5, tàn quân của Sư đoàn BB số 3 và khoảng 100 xe tăng, xe thiết giáp, phối hợp với ngụy quân, ngụy quyền, không quân, pháo tầm xa hòng ngăn chặn bước tiến của ta. Hàng ngày có từ 5 đến 7 chiếc máy bay OV10 hoặc L19 trinh sát thăm dò và 30 lần chiếc phản lực bắn phá vào các khu vực chúng khả nghi có quân giải phóng hoạt động. Bộ chỉ huy Mặt trận B5 quyết tâm sử dụng Trung đoàn BB 27 và Tiểu đoàn 17 bộ đội Vĩnh Linh cùng đại đội xe tăng của Tiểu đoàn 66 (Trung đoàn 202) gồm 5 xe (trong đó có 3 xe tăng và 2 xe thiết giáp) bí mật cơ động lực lượng lên vị trí điều chỉnh, hiệp đồng chặt chẽ với bộ binh thọc sâu, chia cắt, bao vây, đánh đột phá nhanh, mạnh, liên tục diệt gọn quân địch, hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy giải phóng hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Nhưng quá trình hành quân chiếm lĩnh trận địa, do thông tin liên lạc không bảo đảm, nên 4 xe đi sau mất liên lạc với tiểu đoàn trưởng, máy bay địch hoạt động nhiều, trời sáng rõ buộc các xe phải giấu mình tại chỗ. Trong khi đó từ 6 giờ ngày 2-5-1972, trên các hướng, bộ binh ta đã áp sát căn cứ. Theo kế hoạch hiệp đồng thì các mũi đồng loạt nổ súng tiến công. Nhưng do quân địch đông, chống trả quyết liệt, không quân địch đánh phá mạnh vào đội hình của ta, nên các hướng phát triển chiến đấu rất khó khăn. Mãi đến 6 giờ 40 phút, chỉ một xe 766 vào được quận lỵ Hải Lăng. Phát hiện mục tiêu, xe 766 bắn 3 quả đạn diệt 3 xe M113 của địch rồi tiến thẳng vào trung tâm khiến đội hình xe tăng địch bị rối loạn, tạo thời cơ cho 2 tiểu đoàn BB1 và BB3 xung phong tiêu diệt và bắt sống nhiều tên. Địch phát hiện lực lượng ta quá ít nên tập trung binh, hỏa lực phản công dữ dội. Xe 766 buộc phải lợi dùng địa hình, địa vật bắn cháy thêm 3 xe tăng khác, hỗ trợ cho bộ binh chiến đấu và chờ chi viện.

Đến 8 giờ 20 phút, cả hai mũi xe tăng vào đến quận lỵ Hải Lăng. Hướng mũi 1, xe tăng 748 do Tiểu đoàn trưởng Hoàng Ngọc Thành chỉ huy và xe thiết giáp 612, trưởng xe là đồng chí Giỏi phát hiện địch rút chạy xuống phía nam đã nổ súng chi viện cho bộ binh, bắn cháy 1 xe tăng địch, sau đó phát triển về Diên Sanh, hợp điểm của trận chiến. Ở hướng mũi 2, xe tăng 757 do Bùi Xuân Nhì làm trưởng xe và xe thiết giáp 652 được trung đội trưởng Nguyễn Văn Xoang chỉ huy đã mở mũi tiến công phía đông kết hợp với hướng tiến của xe 766 và xe 612 hỗ trợ cho bộ binh đánh địch ở bãi cát Diên Sanh. Địch dựa vào các ổ đề kháng và xe tăng chống cự quyết liệt. Xe tăng 757 tiêu diệt được 4 xe tăng địch, sau đó bị bắn hỏng ở ngã ba tây Diên Sanh. Xe thiết giáp 652 phía sau vượt lên tiếp tục tiến công nhưng lại bị sa lầy, tiếp theo là xe tăng 766 bị trúng đạn, đại đội trưởng xe tăng bị thương. Lợi dụng cơ hội đó, địch tổ chức phản kích hòng lấy lại trận địa. Trong lúc nguy cấp, tiểu đội trưởng Đinh Văn Hòe đã chỉ huy tiểu đội dùng súng bộ binh và súng 14,5mm trên xe tăng đẩy lui nhiều đợt tiến công của địch. Đồng chí Hòe dùng súng B41 bắn cháy 1 xe tăng địch. Địch cho máy bay bắn phá vào đội hình của ta, các chiến sĩ xe thiết giáp 652 đã dùng lựu đạn khói ngụy trang xe và tổ chức kéo xe ra khỏi bãi lầy tiếp tục tiến công địch. Lúc này tiểu đội trưởng Đinh Văn Hòe lại dùng súng 14,5mm bắn cháy một máy bay địch và anh dũng hi sinh. Noi gương anh, đồng chí Vũ Văn Mô, xạ thủ 14,5mm bị thương lần thứ hai, nhờ đồng đội cắt bỏ chân trái bị dập nát, rồi chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Đến 10 giờ ngày 2-5, phần lớn lực lượng của 2 liên đoàn biệt động quân số 4 và 5 cùng tàn quân Sư đoàn BB3 của địch bị tiêu diệt, ta bắt sống 560 tên, bắn cháy 15 xe tăng, xe thiết giáp, bắn rơi 1 máy bay, thu gần 100 xe tăng, thiết giáp và ô tô các loại; trong đó đại đội xe tăng của Tiểu đoàn 66 bắn cháy 15 xe tăng và 1 máy bay, tiêu diệt 250 tên địch và bắt sống 26 tên khác. Trận tiến công đã giải phóng Hải Lăng, góp phần giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị.

Tô Kiều (ghi)