Trận Rạch Dầy Lăng (5-5-1965): Thua do có "nội gián"
Sau một thời gian hoạt động, đêm 4, rạng ngày 5-5-1965, Tiểu đoàn Phú Lợi (bộ đội tỉnh Sóc Trăng) được lệnh hành quân về khu vực rạch Dầy Lăng củng cố lực lượng, giáo dục chính trị chuẩn bị cho nhiệm vụ tiếp theo. Ngay khi đến nơi, Ban chỉ huy Tiểu đoàn họp bàn thông qua kế hoạch trú quân, kế hoạch tác chiến của đơn vị (trường hợp địch tiến công).
Do điều kiện ăn ở sinh hoạt của bộ đội gặp nhiều khó khăn, chỉ huy Tiểu đoàn quyết định điều chỉnh đội hình, cho phép một số đơn vị trực thuộc (Đại đội bộ binh 3, Đại đội trợ chiến, tiểu đoàn bộ) bỏ trận địa vòng ngoài, rút vào gần các ấp phía trong đóng quân để tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân. Mặt khác, qua bộ phận kỹ thuật thuộc trung đội thông tin, Ban chỉ huy tiểu đoàn nắm tình hình địch, xác định trong ngày địch không có kế hoạch đánh phá khu vực rạch Dầy Lăng, nên đã điều trung đội trinh sát đặc công đi công tác ở địa bàn khác (xuất phát lúc 9 giờ), bỏ trống trận địa. Toàn bộ đội hình đóng quân của Tiểu đoàn Phú Lợi đã bị một số phần tử gián điệp (trong đó có tên trung đội trưởng thông tin) mật báo cho phía địch.
Nắm được chi tiết lực lượng và sự bố trí đội hình ta, địch huy động 5 tiểu đoàn bộ binh thuộc Sư đoàn 21 quân đội Sài Gòn (có hậu cứ tại Bạc Liêu) cùng nhiều phương tiện, vũ khí hiện đại tổ chức cuộc càn vào rạch Dầy Lăng nhằm “xóa sổ” Tiểu đoàn Phú Lợi. Vào lúc 10 giờ ngày 5-5-1965, trận đánh chính thức bắt đầu.
Những phút đầu tiên, địch cho máy bay ném bom kết hợp máy bay vũ trang bắn rốc két đánh phá dữ dội vào các trận địa bộ đội ta, trực tiếp hỗ trợ cho nhiều tốp trực thăng tiếp đất đổ quân chiếm lĩnh trận địa của trung đội trinh sát đặc công đang bỏ trống. Có bàn đạp thuận lợi, địch tập trung binh, hỏa lực tiến công vào khu vực tiểu đoàn bộ và Ban chỉ huy tiểu đoàn. Bộ đội ta kiên cường chiến đấu, nhưng do lực lượng mỏng, bố trí không hợp lí, lại rơi vào tình thế bị động, bất ngờ nên chịu nhiều thương vong, buộc phải rút lui. Đồng chí Tiểu đoàn trưởng hi sinh trên đường cơ động. Mọi thông tin liên lạc giữa chỉ huy tiểu đoàn và các đại đội trực thuộc hoàn toàn bị gián đoạn. Tên trung đội trưởng thông tin của tiểu đoàn (gián điệp của địch cài vào) đã dùng điện đài trực tiếp báo cáo tình hình và tiếp tục hướng dẫn địch đổ quân chi viện.
Đến 14 giờ, toàn bộ 5 tiểu đoàn quân đội Sài Gòn đã có mặt tại khu vực rạch Dầy Lăng. Lợi dụng tình thế, địch tiến công đồng loạt vào trận địa các đơn vị của Tiểu đoàn (Đại đội 1, Đại đội 3, Đại đội 4, Đại đội trợ chiến). Chiến sự diễn ra hết sức căng thẳng, quyết liệt trong nhiều giờ. Mặc dù thiếu sự chỉ huy tập trung của tiểu đoàn, nhưng cán bộ, chiến sĩ các đại đội vẫn anh dũng chiến đấu, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi từng mũi tiến quân địch. Vấp phải sự chống trả của ta, vào lúc 16 giờ, địch quyết định sử dụng bom hóa học (bom gây ngạt). Do không đề phòng trước và hoàn toàn bất ngờ trước hành động tàn ác của kẻ thù, nhiều cán bộ, chiến sĩ ta bị trúng độc hy sinh ngay tại trận địa, đa số bị ngạt ngã gục tại công sự, mất sức chiến đấu. Kết hợp với máy bay ném bom, bộ binh địch từng bước đánh chiếm hầu hết các trận địa, buộc các đại đội ta lần lượt rút lui. Chiến sự kết thúc lúc 18 giờ.
Kết quả trận đánh, ta loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch, phá hủy một số vũ khí, phương tiện chiến tranh của địch. Nhưng ta cũng chịu nhiều tổn thất: hàng trăm cán bộ, chiến sĩ hi sinh, nhiều người bị thương, mất nhiều súng đạn, phương tiện. Công việc giải quyết thương binh, tử sĩ kéo dài nhiều ngày mới xong. Bản thân Tiểu đoàn Phú Lợi phải mất một thời gian củng cố, đến cuối tháng 7-1965 mới hoạt động chiến đấu được. Trận chống càn rạch Dầy Lăng của Tiểu đoàn Phú Lợi không thành công, đã ảnh hưởng nặng nề đến tư tưởng, tâm lí của bộ đội và nhân dân. Trận đánh không thành công do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do trong đơn vị có gián điệp của địch cài vào. Sau khi kiểm điểm rút kinh nghiệm, ta phát hiện và bắt giữ. Từ thất bại này, nhiều bài học kinh nghiệm quí báu đã được rút ra, trong đó có bài học về làm tốt công tác cán bộ, đòi hỏi cần có sự tuyển chọn, kiểm tra rà soát, thử thách trước khi bổ nhiệm, đề bạt vào những vị trí chỉ huy, không để địch cài cắm người vào hàng ngũ của ta.
ThS. Trần Hữu Huy