Cụm cứ điểm Pheo (nay thuộc thị trấn Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) nằm ven quốc lộ 6, cách thị xã Hòa Bình 10km, cách Hà Nội hơn 60km, bao gồm 3 cứ điểm: cứ điểm A (đồn Pheo), cứ điểm B (làng Pheo), cứ điểm C (đồn Miều). Các cứ điểm cách nhau khoảng từ 150 đến 400m.
Bao quanh cụm cứ điểm là địa hình tương đối phức tạp (có cả đầm ruộng, bãi lầy, sông suối, một số mỏm cao...) tạo thành những chướng ngại vật tự nhiên có lợi cho quân phòng thủ. Lực lượng địch đóng giữ có 1 tiểu đoàn lê dương, 1 đại đội pháo binh và 1 trung đội xe tăng.
Hệ thống công sự dã chiến và vật cản trong mỗi cứ điểm tương đối vững chắc, có bộ binh và xe tăng cơ động sẵn sàng chi viện cho nhau. Xung quanh mỗi cứ điểm còn có những hàng rào dây thép gai, một số đoạn hào sâu... Khi bị tiến công, cụm cứ điểm Pheo sẽ nhận được sự chi viện tích cực từ các cụm cứ điểm lân cận trên quốc lộ 6.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, từ ngày 10-12-1951 đến 25-2-1952, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Hòa Bình nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực, phá tan mưu đồ của quân Pháp.
Đầu tháng 1-1952, Trung đoàn 102 Đại đoàn 308 được cấp trên giao nhiệm vụ tổ chức tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm Pheo, cắt đứt mắt xích quan trọng trong tuyến phòng ngự của địch, góp phần tạo bước phát triển mới cho chiến dịch. Lực lượng tham gia chiến đấu có các tiểu đoàn bộ binh (18, 54, 79) và các đại đội trực thuộc Trung đoàn, được tăng cường thêm 1 tiểu đoàn bộ binh cùng một số đơn vị hỏa lực.
Sau khi nhận nhiệm vụ, đơn vị làm công tác chuẩn bị. Tuy nhiên, trong lãnh đạo, chỉ huy từ cấp trung đoàn đến cấp trung đội đã xuất hiện tư tưởng chủ quan tự mãn, coi thường quân địch, cho rằng: với truyền thống giỏi công kiên và khả năng hiện tại của Trung đoàn: “chỉ cần sau một giờ đồng hồ đã tiêu diệt toàn bộ quân địch trong cứ điểm”, “địch đang bị động, hoang mang, sức kháng cự yếu”...
Từ đó, công tác chuẩn bị của Trung đoàn thiếu sót nghiêm trọng: Một là, trinh sát nắm địa hình, nắm địch không chắc, không vào sát và sâu cụm cứ điểm để điều tra, nghiên cứu; không tiếp xúc nhân dân địa phương khai thác thông tin. Hai là, xây dựng kế hoạch tác chiến đơn giản, thể hiện ở việc sử dụng binh, hỏa lực dàn đều cả ba cứ điểm địch, không có trọng tâm, trọng điểm (Tiểu đoàn 54 tiến công cứ điểm A. Tiểu đoàn 79 tiến công cứ điểm B. Tiểu đoàn 18 tổ chức kiềm chế địch ở cứ điểm C); chưa dự kiến hết tình huống ta khó khăn phải kéo dài trận đánh hoặc rút quân; phân công lãnh đạo, chỉ huy một số hướng, mũi tiến công không rõ ràng... Ba là, có bộ phận không chuẩn bị đủ lượng đạn như quy định (vì cho rằng trận đánh nhanh kết thúc thắng lợi), thông tin liên lạc chưa bảo đảm thông suốt.
Đúng 24 giờ ngày 7-1-1952, chỉ huy Trung đoàn 102 ra lệnh tiến công. Các đơn vị hỏa lực bắn cấp tập vào căn cứ địch, tạo điều kiện cho bộ binh cơ động chiếm lĩnh trận địa. Tuy nhiên, do không nắm chắc địa hình, một số đơn vị đi lạc hướng, đội hình lẫn vào nhau, ảnh hưởng đến hiệp đồng chiến đấu. Địch phát hiện bộ binh ta từ xa, liền tập trung hỏa lực sát thương. Pháo binh địch từ Ao Trạch, thị xã Hòa Bình bắn phá mãnh liệt vào khu vực trận địa của ta, trực tiếp hỗ trợ quân phòng thủ.
Trận đánh gặp khó khăn ngay từ đầu. Trên cả hai cứ điểm chính (A, B), địch tập trung xe tăng, bộ binh, hỏa lực bịt kín cửa mở. Ta tổ chức đột kích nhiều lần không thành công, bộ đội thương vong nhiều, trong đó có cả cán bộ chỉ huy cấp đại đội, trung đội. Một số mũi tiến công phát triển được vào bên trong nhưng không đủ sức chiến đấu đều bị đánh bật trở ra.
Do không lường hết sức chống trả quyết liệt, điên cuồng của địch, thông tin liên lạc nhiều thời điểm bị gián đoạn nên chỉ huy Trung đoàn, tiểu đoàn đều tỏ ra lúng túng. Đến 3 giờ sáng ngày 8-1, chỉ huy Trung đoàn điều chỉnh phương án tác chiến, tập trung hỏa lực hỗ trợ giải quyết dứt điểm cứ điểm A, tạo bàn đạp đánh sang cứ điểm B, cứ điểm C. Tuy nhiên, do lượng đạn dự trữ có hạn nên chi viện không hiệu quả.
Nhận thấy Trung đoàn 102 không còn khả năng dứt điểm mục tiêu, nên Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308 lệnh cho Trung đoàn 102 tích cực giải quyết thương binh, tử sĩ, thu dọn chiến trường, rút lui củng cố lực lượng.
Trong quá trình rút lui, do hiệp đồng không chặt chẽ, đại đội chặn hậu bị xe tăng và bộ binh địch bao vây... Đơn vị hy sinh gần hết, chỉ có một số vượt được ra ngoài.
Kết quả trận đánh, ta loại khỏi vòng chiến đấu gần 50 địch, phá hủy một phần công sự, vũ khí, phương tiện chiến tranh của chúng. Ta không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, lại chịu tổn thất lớn về lực lượng (262 cán bộ, chiến sĩ hi sinh, 318 người bị thương, 26 người bị bắt), mất mát, hư hỏng nhiều về vũ khí, trang bị.
Đây là một trong những trận đánh không thành công mang tính điển hình cấp trung đoàn về tư tưởng chủ quan, tự mãn, coi thường quân địch trong toàn bộ hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trở thành bài học đắt giá để giáo dục, huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ ta về sau.
ThS. Trần Hữu Huy