Trần Minh Bắc-Tổng biên tập đầu tiên
Giỏi về nghiệp vụ báo chí, nhiều kinh nghiệm từng trải, nên khi Hội CCB Việt Nam bắt đầu thành lập, cấp trên triệu anh đến phụ trách công tác tuyên huấn. Khi cần có tờ báo của Hội, cấp trên nghĩ ngay tới anh và giao anh phụ trách tờ báo. Chính lòng tin người và quý người của anh khiến anh em làm báo đã về “thê đội 2” đều vui vẻ, nhiệt tình, chung sức làm việc cùng anh xây dựng và phát triển tờ báo.
Có lẽ đó là tài sản lớn nhất của Báo CCB Việt Nam lúc sơ khai nhưng lại là phi vật thể. Cơ sở vật chất đúng nghĩa đen của hai từ “tay trắng”. Hai căn phòng của ngôi nhà cấp 4, không bàn ghế, cùng một loạt “không” khác đi cùng. Đầu hè có một cây doi, quả trắng, nhỏ mà rất ngọt. Cũng là chỗ cần viết gấp bài thì ra đó kê lên đầu gối mà viết. Viết xong, có thể nhấm nháp mấy quả doi, còn không thì liệu mà ăn “roi” như nhà báo Lê Kim vẫn đùa.
Hơn một tuần đi đi, lại lại tới nhà riêng Tổng biên tập là phác thảo xong vóc dáng tờ báo đủ chương, mục, trong nước ngoài nước… nhưng tổng số cây bút mới chỉ có “thất hiền” vẫn quyết cho ra đời một “tờ báo của Hội, tiếng nói của hội viên”. Kiên trì định hướng của Tổng biên tập được cơ quan chủ quản ủng hộ hoàn toàn, khiến báo Hội không bị mặt trái của nền kinh tế thị trường cám dỗ, không bị thương mại hóa.
Đã từng tham gia điều hành một tờ báo lớn như Báo Quân đội nhân dân, bây giờ làm tờ báo “nhỏ” như tờ CCB Việt Nam, tháng một số 32 trang, khổ 19cm x 27cm đối với anh hẳn không khó. Hai, ba năm là ổn định. Thậm chí tiềm lực của đội ngũ phóng viên, biên tập còn tỏ ra dôi dư. Anh suy tính phát triển thêm một số báo, lúc đầu xuất bản nửa tháng một kỳ, sau tuần một kỳ vào thứ năm. Rồi cũng ổn.
Một điều day dứt âm ỉ trong lòng, thỉnh thoảng bộc lộ qua tâm sự là cuộc sống anh chị em trong Tòa soạn là phần lớn đều là sĩ quan nghỉ hưu nhưng lương thấp, lạm phát cao. Vào làm báo Hội cũng là một loại “vác tù và hàng tổng”. Anh không muốn thế, mà muốn biến nơi đây là một gia đình lớn, đủ công ăn việc làm để sống và sống khá. Tòa soạn sẵn sàng thu nhận con em cán bộ, nhân viên vào làm việc, gắn bó lâu dài. Anh muốn đội ngũ biên tập này yên tâm, không còn sức đi xa thì ngồi biên tập, thậm chí làm “cố vấn” cho lớp trẻ, báo mà khấm khá thì còn thêm suất lương hưu của báo khi về già.
Không chỉ là ước muốn mà sau khi chủ trương này được cấp ủy tán thành là anh xúc tiến thực hiện. Duyệt xong nội dung từng số báo, anh cùng một số cán bộ bắt tay làm “kinh tế báo chí”.
Báo Hội ra đời vào lúc đất nước bắt đầu bước vào công cuộc đổi mới, vừa đi vừa dò đường. Bao cấp chưa bỏ hẳn, vẫn còn cửa “xin, cho”, cơ chế thị trường còn manh nha, chưa rõ nét. Cái mới chưa quen, cái cũ chưa quên, nơi đâu mới thì mình cũng mới, còn không cứ theo cũ mà làm. Các dự án “kinh tế” mà anh bắt tay làm đều theo kiểu như vậy. Một tấm lòng tốt của Tổng biên tập luôn luôn đầy ắp lý tưởng tốt, chăm lo cho anh em, lúc nào cũng hy vọng.
Tới khi hai tay buông xuôi, từ giã cõi đời vẫn khát vọng mãi không thôi.
Thạch Sơn