Trận điểm cao 824 (đêm 25, rạng 26-5-1968): Thua do vận dụng chiến thuật chưa phù hợp
Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, chúng đưa quân chiếm giữ nhiều điểm cao, trong đó có điểm cao 824.
Điểm cao 824 nằm cách phía Nam đường 18 khoảng 1km (nay thuộc địa bàn xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum), có hình bầu dục, chiều dài (đông - tây) khoảng 400m, chiều rộng (bắc - nam) khoảng 250m, xung quanh là rừng giang, nứa, xen kẽ cây gỗ lớn.
Trên đỉnh điểm cao, địch dùng xe ủi tạo thành bãi đất trống trải, xây dựng hệ thống công sự trận địa khá vững chắc với 3 khu (A, B, C) tạo thành thế tam giác có thể hỗ trợ, chi viện lẫn nhau. Xung quanh là hệ thống hàng rào thép gai, xen kẽ giữa các lớp là bãi mìn.
Lực lượng địch đóng quân khoảng 2 đại đội tăng cường (bao gồm cả quân Mỹ và quân Sài Gòn). Hỏa lực chủ yếu: ĐKZ, súng máy 12,8mm, cối 81mm và 106,7mm; có hỏa lực chi viện từ không quân, pháo binh và các căn cứ quân sự lân cận...
Điểm cao 824 là “mắt xích” trọng yếu bảo vệ đường 18 và căn cứ Plây Cần của địch.
Về phía Quân giải phóng. Sau khi tiêu diệt căn cứ Ngọc Hồi, Sư đoàn 325C lệnh cho Trung đoàn 2 nhanh chóng đánh chiếm điểm cao 824, trụ lại đánh quân tăng viện, góp phần tạo bước chuyển biến có lợi cho toàn Mặt trận Tây Nguyên.
Lực lượng Trung đoàn 2, ngoài biên chế của trung đoàn, Sư đoàn tăng cường thêm cho Đại đội cối 120mm (2 khẩu), Đại đội súng máy 12,7mm (6 khẩu), Trung đội ĐKZ (2 khẩu), Tiểu đội súng phun lửa (3 khẩu) và 4 khẩu pháo 105mm trực tiếp chi viện.
Ban chỉ huy Trung đoàn 2 hạ quyết tâm, tập trung lực lượng toàn trung đoàn, sử dụng cách đánh cường tập, kiên quyết tiêu diệt toàn bộ quân địch ở điểm cao 824.
Yêu cầu cơ bản của Trung đoàn đặt ra là: Triệt để tận dụng yếu tố bí mật, bất ngờ, nhanh chóng vượt cửa mở, tổ chức lực lượng thọc sâu chia cắt, chiếm sơ chỉ huy, giải quyết trận đánh ngay trong đêm.
Đơn vị tổ chức tiến công theo hai hướng: Đông và Tây (Đông là hướng chính)
17 giờ 45 ngày 25-5-1968, trận đánh bắt đầu.
Kế hoạch tác chiến đề ra lúc đầu là vận dụng cách đánh cường tập (tập kích, kết hợp bắn chế áp), nhưng vào trận chỉ huy Trung đoàn 2 lại tổ chức theo cách đánh công kiên ở hướng chính, dùng các loại hỏa lực bắn phá hủy công sự.
Do thời gian “mở cửa” kéo dài, địch phát hiện trận địa hỏa lực của ta, liền tổ chức phản pháo. Đến 19 giờ, khi yếu tố bí mật, bất ngờ không còn, các hướng bộ binh của ta mới tiến hành mở cửa, thì đồng thời địch thả pháo sáng để hỏa lực xác định mục tiêu, bắn trúng đội hình của ta, làm bộ đội thương vong nhiều.
Đến 21 giờ, ta mới khai thông được cửa mở, nhưng cũng chỉ có một bộ phận vượt qua đánh chiếm một số lô cốt, lại gặp sự kháng cự quyết liệt của địch nên không phát triển trận đánh được, buộc phải dừng lại bám trụ. Trên hướng thứ yếu, cuộc chiến đấu cũng diễn ra hết sức ác liệt. Địch trong căn cứ sử dụng đạn hóa học, kết hợp với hỏa lực chi viện của không quân, pháo binh từ xa ngăn chặn. Đến 21 giờ 25 quân ta mới mở xong hàng rào.
Trước sự chống trả điên cuồng của địch, đến 23 giờ 40, sau nhiều lần tổ chức cho bộ đội tiến công tiêu diệt địch, nhưng không thành công, quân số thương vong ngày càng lớn.
Chiến sự diễn ra giằng co kéo dài, đến 4 giờ 30 sáng ngày 26-5-1968, nhận thấy khả năng dứt điểm mục tiêu không còn, Ban chỉ huy Trung đoàn 2 ra lệnh cho bộ đội rút ra ngoài, kết thúc trận đánh.
Kết quả, ta diệt 120 địch, phá hủy 12 lô cốt cùng một số vũ khí, phương tiện chiến tranh của chúng, nhưng không thực hiện được mục tiêu đề ra. Bộ đội bị thương vong nhiều (130 hi sinh, gần 200 bị thương), nhiều vũ khí, phương tiện chiến đấu bị thiệt hại, đã ảnh hưởng khá nặng nề đến tư tưởng, tâm lí của đơn vị cũng như toàn Mặt trận.
Bài học kinh nghiệm sâu sắc nhất rút ra từ trận đánh điểm cao 824 (đêm 25, rạng ngày 26-5-1968) là các cấp lãnh đạo, chỉ huy cần bảo đảm hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ phận, các mũi, các hướng và tuân thủ đúng quyết tâm, kế hoạch tác chiến, nhất là chiến thuật đã đề ra.
Trần Hữu Huy