Trận đầu đánh Mỹ
Chiều ngày 8-11-1967, vào tầm 3 giờ 30 phút, khi chúng tôi vừa đi chuẩn bị cho trận đánh ở Bãi Thông (khu vực Ngọc Dơ Lang, Ngọc Kom Liệt, Đắk Tô, Kon Tum) về, nhìn sườn phía tây cao điểm 823, thấy máy bay, phi pháo địch oanh kích cao điểm này dữ dội. Ngay từ loạt bom đầu tiên, đã có 1 quả rơi đúng Tổ đài quan sát của Đại đội tôi ở trên đỉnh 823, làm 3 anh hy sinh. Sau mấy giờ địch bắn phá dọn bãi, cao điểm 823 cây cối um tùm bỗng sạch quang, lửa khói nham nhở. Mỹ đổ xuống cao điểm 823 một đại đội.
Sáng hôm sau, tổ trinh sát của tôi do anh Nguyễn Văn Tỵ (quê thôn Ô Cách, xã Đông Kiến, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) làm Tiểu đội trưởng, dẫn Tiểu đoàn 9 lên tập kích đậi đội lính Mỹ trên điểm cao 823. Chúng tôi đưa Tiểu đoàn trưởng và các Đại đội trưởng tiếp cận quân Mỹ, khi các anh nhìn thấy quân Mỹ, chúng tôi mới quay lại. Trong lúc các anh lùi ra hội ý, phân công các mũi tiến công, thì một máy bay phản lực bổ nhào cắt 2 quả bom rơi đúng vào chỗ Ban Chỉ huy tiểu đoàn 9 đang hội ý. Toàn bộ cán bộ tiểu đoàn và đại đội hy sinh. Tiểu đoàn 9 phải dừng tiến công địch ở cao điểm 823.
Hôm sau, tổ của tôi nhận lệnh dẫn Tiểu đoàn 8 lên đánh. Anh Lộ Khắc Tâm - Tiểu đoàn trưởng trực tiếp nắm một khẩu cối 82mm cùng Tiểu đoàn vận động lên cao điểm 823. Đi được nửa đường, tôi nghe tiếng đề-pa pháo từ hướng Đăk Mót bắn về. Đất đá bay tứ tung, cây đổ rào rào. Tôi, anh Tâm và một anh nữa mang chiếc đế cối 82 nhảy xuống một công sự lộ thiên, dùng chiếc đế khẩu cối che đầu. Pháo địch bắn chừng 30 phút thì ngừng. Lập tức chúng tôi cơ động lên áp sát quân Mỹ.
Khi Tiểu đoàn 8 nổ súng chừng 15 phút, tôi đã thấy gần một chục người, người thì máu me đầy mặt, người thì tay băng treo trước ngực, người thì đi cà nhắc… lùi về sau. Sau này, tôi mới biết Tiểu đoàn 8 chỉ đánh thiệt hại đại đội Mỹ này, bị chúng phản kích dữ quá, anh em phải rút lui.
9 giờ tối hôm đó, nhận lệnh của trên, tổ trinh sát chúng tôi, gồm anh Tỵ - Tiểu đội trưởng, anh Chương (quê Hà Trung, Thanh Hóa) và tôi xuống Tiểu đoàn 8. Đêm hôm đó, trời tối đen, pháo địch không bắn, máy bay C.130 không thả pháo sáng. Thi thoảng ở các chốt lính Mỹ bắn lên không trung một quả pháo sáng, lóe lên vài chục giây rồi vụt tắt. Trước khi đi, anh Tỵ phân công: Anh Chương đi đầu, đến anh Triều, sau cùng là tôi.
Chúng tôi bám vào đường dây điện thoại rải cho Tiểu đoàn 8, đoạn đường này chủ yếu men theo khe suối. Anh Tỵ vừa đi vừa nói:
- Trời tối, anh em mình bám sát nhau, lần theo đường dây điện thoại mà đi.
Chúng tôi lầm lũi đi. Đi được chừng hơn một giờ, tôi nghe từ phía đông có tiếng động cơ máy bay. Tiếng động cơ ì ầm rất nặng nề một lúc một rõ. Thế rồi, tôi thấy chớp lửa dưới bụng máy bay, tiếp đến là tiếng rít và một tiếng nổ không to. Cảm thấy đất dưới chân mình như sụp xuống, rồi đất đá rơi ào ào, mùi khói bom khét lẹt. Anh Tỵ hốt hoảng hỏi:
- Máy bay B.57 ném bom tọa độ đấy, có ai việc gì không?
- Em không việc gì - tôi nói.
- Anh Chương! Anh Chương! Anh Chương!
Anh Tỵ gọi, nhưng không thấy anh Chương trả lời.
Bước lên mấy bước, chân vấp phải người anh Chương, tôi liên cúi xuống gọi:
- Anh Chương! Anh Chương!
Không thấy động tĩnh gì, tôi sờ từ đầu xuống chân anh. Bàn tay tôi nóng hổi khi chạm vào máu của anh. Tôi bật lên:
- Anh Ty ơi, anh Chương chết rồi!
Anh Ty chạy lên; hai anh em tôi khiêng anh Chương lên một khoảng đất bằng, đặt anh ở đấy, rồi anh Tỵ nói:
- Bây giờ Triều ở lại với anh Chương, mình về báo cáo đại đội cho người lên đưa anh ấy về.
Nói rồi, anh Tỵ đi luôn. Lúc này, mỗi mình tôi ngồi ngồi bên thi hài anh Chương. 30 phút sau, máy bay B.57 vòng lại. Tôi nghĩ, lần này nó thả bom nữa, có lẽ mình cũng đi theo anh Chương. Nhưng tôi nhớ mấy anh lính cựu nói máy bay B.57 ném bom tọa độ không bao giờ đánh lại chỗ cũ, nên cũng hơi yên tâm.
Một giờ, rồi hai giờ trôi qua. Máu và thịt của anh Chương đã bốc mùi tanh. Tôi ớn lạnh. Lần đầu tiên, tôi ngồi một mình bên xác một người chết giữa rừng trong đêm tối. Những kỷ niệm về anh Chương ùa về! Có lần tôi nghe anh Chương kể, quê anh nghèo lắm; bố mất sớm, còn mẹ già và hai em nhỏ. Hằng ngày anh phải ra đồng bắt ốc; khi đó, anh cởi quần quấn lên đầu, một chiếc nồi đồng thả nổi, mò đến đâu, đẩy nồi đến đấy. Chiều về, mẹ anh đem chỗ ốc mò được bán lấy tiền đong gạo. Anh Chương vào Nam năm 1965 cùng Trung đoàn 66. Anh chỉ học hết lớp 4, hiền lành; ai nói ngược nói xuôi, hay trêu chọc Thanh Hóa quê anh là “Ăn rau má, phá đường tàu”, anh cũng chỉ cười hiền khô. Bây giờ anh nằm đó. Tôi ngồi bên anh, ôm khẩu súng A.K báng gấp và đang thầm nói với anh… Đến sáng, Chính trị viên phó Chinh cùng ba đồng chí nữa đến đưa anh Chương về an táng.
Lữ đoàn 173 Mỹ sau khi lần lượt đổ quân xuống chiếm các điểm cao 823, 845, 882 trên dãy Ngọc Kom Liệt, bắt đầu tiến công vào đội hình Trung đoàn 66 chúng tôi, để tiến lên điểm cao 875. Chúng thúc một đại đội biệt kích ngụy đi mở đường, nhưng bị Tiểu đoàn 9 diệt gọn. Tôi còn nhớ, chiều ngày 10-11-1967, khi tôi và anh Nguyễn Thanh Vân (quê thị trấn Gốt, Chương Mỹ, Hà Tây) đi bám địch ở dãy Ngọc Kom Liệt. Ban đầu nghe tiếng đất đổ ào ào, chúng tôi tưởng bộ đội mình đào công sự. Nhưng là lính trinh sát, vốn thận trọng, chúng tôi bò vào quan sát, thì giật mình, bởi lố nhố đều là lính Mỹ, cả da đen và da trắng. Cách chỗ tôi chừng vài chục mét, một thằng Mỹ cao to, da trắng, cởi trần, đang đào công sự. Thấy dễ “ăn” quá, tôi bảo với anh Vân: Em bắn nhé?
- Để nấc một, nhằm vào ngực nó mà bắn - anh Vân bảo.
Lập tức, tôi tì súng vào gốc cây lồ ô bóp cò. Một tiếng nổ đanh. Tôi thấy hai tay thằng Mỹ thõng xuống, rồi cả người hắn đổ gục, đè lên cán xẻng và ngã vật ra.
Biết thế nào bọn Mỹ cũng “trả đũa”, chúng tôi tụt nhanh xuống dốc, theo con suối cạn chạy về đơn vị. 15 phút sau, mới thấy quân Mỹ phản ứng, bắn loạn xạ. Đây là trận đầu tiên, tôi diệt được lính Mỹ.
Đại tá Lê Hải Triều (Nguyên chiến sĩ c18 trinh sát, e66 Mặt trận Tây Nguyên)