Trận đánh chưa thành công: Trận Kô-ka-va vừa không biết địch, vừa không hiểu ta
(Báo tháng 7) -Với bộ đội Pháo binh Quân khu Trị-Thiên, có lẽ trận tập kích hỏa lực tầm xa vào căn cứ chỉ huy hành quân của quân Mỹ ở điểm cao Kô-ka-va, miền Tây Thừa Thiên Huế thời kỳ “hậu Mậu Thân” là một trong những trận đánh khó quên hơn cả.
Trong trận đánh này, gần như toàn bộ “vốn liếng” pháo hạng nặng của Tiểu đoàn PB1, Trung đoàn PB 675 đều bị phá hủy vả bị địch thu giữ. Một trận đánh được coi là không thành công trên mọi phương diện.
Sau “sự kiện Mậu Thân”, Mỹ và quân đội Sài Gòn ra sức phản công nhằm giành lại thế chủ động trên chiến trường. Tại miền Tây Thừa Thiên Huế, địch đổ quân sâu vào trong vùng căn cứ địa cách mạng thiết lập nhiều cứ điểm, tổ chức càn quét, đánh chiếm những vị trí quan trọng... hòng đẩy chủ lực quân Giải phóng qua bên kia biên giới.
Chúng rải bom và chất độc hóa học phát quang khu vực Kô-ka-va, nơi có 3 điểm cao hết sức lợi hại là Điểm cao 672 (Ko-ka-va), Điểm cao 772 và Điểm cao 400. Ngày 21-1-1969, địch đổ quân đánh chiếm Điểm cao 672 và nhanh chóng thiết lập tại đây một căn cứ quân sự với hệ thống công sự trận địa rất vững chắc để khống chế các tuyến đường chiến lược 73, B45 và làm bàn đạp triệt phá hệ thống kho tàng, căn cứ của tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua miền Tây Trị-Thiên.
Do giữ một vị trí đặc biệt quan trọng nên tại Kô-ka-va, địch bố trí một lực lượng khá mạnh, bao gồm Trung đoàn 9 (Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ), một tiểu đoàn pháo với 6 khẩu 155 ly, 12 khẩu 105 ly, 4 khẩu cối 106,7 ly; một sân bay trực thăng; 1 đại đội radar và 5 đại đội phục vụ, bảo đảm. Toàn bộ căn cứ Kô-ka-va dài gần 3.000m, rộng khoảng hơn 1.500m.
Với địa bàn hoạt động rộng, lực lượng đông, hỏa lực mạnh, thủ đoạn đánh phá nham hiểm, Căn cứ Kô-ka-va giống như một “cái gai” thường xuyên gây nhức nhối cho quân và dân miền Tây Trị Thiên và tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn. Để xóa bỏ căn cứ này, phá vỡ ý đồ chiến lược của địch, bảo vệ tuyến hành lang chiến lược ở miền Tây Trị-Thiên, BTL Quân khu Trị-Thiên giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn pháo binh 1 “liên tục tổ chức các đợt tập kích hỏa lực vào căn cứ hành quân Kô-ka-va, nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực, phá hủy phương tiện chiến tranh của địch, khống chế không cho chúng sử dụng căn cứ Kô-ka-va làm bàn đạp đánh phá tuyến hành lang vận chuyển của ta...”.
BTL Quân khu quyết định tăng cường cho Tiểu đoàn 1 Pháo binh một đại đội pháo 85 ly, một đại đội DKB và một số đơn vị bộ binh làm nhiệm vụ bảo vệ kho tàng, trận địa.
Tiểu đoàn pháo binh 1 là đơn vị đã từng lập công trong chống chiến tranh phá hoại ở vùng bờ biển Thanh Hóa, trong trận Tà Cơn (1-1968). Trước trận đánh này, đội hình Tiểu đoàn bố trí ở khu vực A Túc, làng Hạ và Tam Bôi, trong đó chỉ có trận địa của Đại đội 1 ở A Túc là tương đối thuận lợi cho việc pháo kích vào Kô-ka-va, còn lại trận địa Đại đội 2 và Đại 3 ở Tam Bôi và làng Hạ đều không thuận lợi. BCH Trung đoàn 675 và Phòng Pháo binh đã đề nghị BTL Quân khu cho điều chỉnh trận địa nhưng không được chấp nhận. Bởi vậy, BCH Tiểu đoàn quyết định chỉ sử dụng Đại đội 1 tập kích căn cứ Kô-ka-va, còn lại các Đại đội 2 và 3 làm nhiệm vụ kiềm chế các mục tiêu từ đồi Con Mèo đến sân bay A Lưới.
Theo đúng kế hoạch, 14 giờ ngày 2-2-1969, Đại đội pháo binh 1 được lệnh phát hoả. Ngay từ loạt đạn đầu, địch đã phát hiện ra trận địa của đơn vị; chúng tập trung hỏa lực, kết hợp phản pháo và B52 trút bom cày nát khu vực trận địa của Đại đội 1. Mặc dù vậy, các pháo thủ vẫn kiên cường bám trụ. Do đường tiếp tế bị dán đoạn, lượng đạn dự trữ cạn dần, pháo thủ vừa phải bắn một cách dè sẻn, vừa phải thay nhau về hậu cứ vác đạn. Cứ như thế, trong suốt tháng 2 và những ngày đấu thàng 3, Đại đội 1 đã thực hiện được nhiều đợt pháo kích vào căn cứ của địch, tiêu diệt được nhiều sinh lực của chúng,
Cùng thời gian trên, trận địa của Đại đội 2 và Đại đội 3 đều bị bộ binh địch tiến công. Đại đội 2 sau khi chặn đứng được nhiều đợt tiến công của quân địch, tiêu diệt được hơn 100 tên, phá hủy 2 khẩu pháo và nhiều phương tiện chiến tranh khác, do không còn một viên đạn nào, kể cả đạn súng bộ binh đã đành phải dùng bộc phá phá hủy pháo và rút lui. Trong khi đó thì Đại đội 3 còn không kịp phá hủy cả 2 khẩu pháo Đ 74 và chiếc xe xích trước khi rút lui, để cho quân địch thu được đem về trưng ở Huế.
Trước tình thế chiến đấu “đơn thương độc mã” của Đại đội 1, BCH Trung đoàn và Binh trạm 27 đã kịp thời chi viện hỏa lực và tiếp tế hậu cần cho Đại đội tiếp tục bám trụ chiến đấu. Mặc dù sau 28 lần bị máy bay địch đánh vào trận địa gây thương vong lớn, 3/4 khẩu pháo bị phá hủy, cả đại đội chỉ còn duy nhất 1 khẩu, song cán bộ, chiến sĩ vẫn kiên cường bám trụ, kiên quyết không rời trận địa.
Ngày 15-3-1969, căn cứ vào tình hình thực tế của Tiểu đoàn pháo binh 1, BCH Trung đoàn ra lệnh cho tất cả các trận địa rút lui về Binh trạm 27 để bảo tồn và củng cố lực lượng. Tuy nhiên, do đường sá bị bom, đạn pháo cày xới, trong khi lực lượng Công binh đã rút hết từ trước nên quá trình lui quân diễn ra không suôn sẻ.
Trải qua 42 ngày đêm trụ bám và chiến đấu, Tiểu đoàn đã pháo kích 46 đợt vào căn cứu Kô-ka-va. Với 176 viên đạn pháo đã tiêu diệt được 175 quân địch, phá hỏng 6 khẩu pháo 105 ly và 155 ly, bắn cháy 2 máy bay trực thăng. Tuy nhiên cái giá mà cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn pháo binh 1 phải trả trong trận đánh dài ngày này cũng khá lớn: 25 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, 12 trường hợp bị thương, 11 khẩu pháo bị phá hủy và phá hỏng, 2 khẩu bị địch thu giữ.
Trong Binh pháp Tôn tử đã từng tổng kết: “Biết địch, biết ta; trăm trận không bại”. Trong trận đánh này, ta vừa không đánh giá đúng về địch, nhất là ưu thế về lực lượng và hỏa lực; vừa chưa đánh giá đúng tình hình thực tế và khả năng của Tiểu đoàn pháo binh 1 cũng như của Trung đoàn 675.
BTL Quân khu do nôn nóng muốn giải tỏa hành lang vận chuyển chiến lược nên đã giao nhiệm vụ tiêu diệt Căn cứ Kô-ka-va cho Tiểu đoàn pháo binh 1 - Một nhiệm vụ vượt quá khả năng và điều kiện trận địa đứng chân hiện tại của Tiểu đoàn.
Đã vậy, trong xây dựng kế hoạch, cả BTL Quân khu và BCH Trung đoàn 675 đều chưa lường hết những khó khăn trong công tác bảo đảm cho đơn vị pháo xe kéo (bảo đảm đạn, bảo đảm đường cơ động, công sự ngụy trang, đánh địch tại chỗ...).
Nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến trận đánh không thành công chính là các cấp chỉ huy đánh giá chưa đúng tình hình chiến trường.
Như đã nêu ở trên, khi nhận nhiệm vụ tiến công cứ điểm Kô-ka-va, Tiểu đoàn Pháó binh 1 đang bố trí trận địa theo phương án cũ, tức là đánh địch từ đồi con Mèo đến sân bay A Lưới. Lẽ ra, với mục tiêu mới, cần phải thay đổi trận địa pháo, mới có thể phát huy được hết sức mạnh của hỏa lực. Tiếc là cấp trên đã không nghiên cứu nghiêm túc phản ảnh đề đạt của cấp dưới về điều chỉnh, thay đổi trận địa pháo; cấp dưới không đủ bản lĩnh để giải thích, bảo vệ ý kiến đề đạt của minh với cấp trên. Trong trận này, do không thay đổi vị trí trận địa của Đại đội 2 và Đại đội 3 nên Tiểu đoàn trên thực tế chỉ sử dụng hiệu quả được 1/3 khả năng hỏa lực.
Một thiếu sót nữa của trận đánh này là công tác bảo đảm đánh địch tại chỗ chưa được quan tâm đúng mức. Điều này đã dẫn đến thương vong lớn về lực lượng vả binh khí cho các Đại đội 2, Đại đội 3 khi bộ binh địch bao vây, tiến công trận địa của các đơn vị này ở Tam Bôi, làng Hạ, A Bum.
Bài học xương máu từ trận pháo kích cứ điểm Kô-ka-va không chỉ của riêng Tiểu đoàn PB 1, Trung đoàn 675, Quân khu Trị-Thiên; mà còn là của Bộ đội Pháo binh Việt Nam nói riêng.
Việt Anh