Trận đánh chưa thành công: Nỗi đau mang tên "đồi A1"
Tại cuộc họp kiểm điểm phê bình và tự phê bình trong Đợt 2 của chiến dịch Điện Biên Phủ (dưới đây gọi tắt là Chiến dịch) diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8-4-1954, một người vốn điềm tĩnh và chưa tùng to tiếng với cấp dưới bao giờ đã phải nổi nóng truy vấn:
"Các đồng chí có thấy xót xa không, khi bao nhiêu đồng chí của mình ngã xuống mà trận đánh không thành công do thiếu sót của lãnh đạo, chỉ huy?".
Nói xong, ông lấy khăn lau những giọt nước mắt lăn trên gò má. Trận đánh không thành công mà Đại tướng - Tổng Tư lệnh nhắc đến chính là trận đánh Đồi A1 diễn ra từ đêm 30-3 đến sáng ngày 3-4-1954. Trận đánh này do 2 trung đoàn dày dạn kinh nghiệm là Trung đoàn 174 của Đại đoàn 316 và Trung đoàn 102 của Đại đoàn 308 tiến hành với 4 đợt tiến công nhưng không đạt được mục đích đề ra và tổn thất, thương vong lớn mà nguyên nhân chính là do cả hai đơn vị từ chỗ “chủ quan coi thường” địch đến “bi quan, giao động”.
Mở đầu Đợt 2 của Chiến dịch, BCH chiến dịch chủ trương tập trung tuyệt đổi ưu thế binh, hỏa lực tiêu diệt toàn bộ khu Đông Mường Thanh. Trung đoàn 174 (Đại đoàn 316) được giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Đồi A1, sau đó phát triển tiêu diệt cứ điểm A3. Trung tâm đề kháng A1 (địch gọi là
Eliane 2) là một mắt xích quan trọng có tính "sống còn" của hệ thống phòng ngự phía Đông Mường Thanh.
Toàn bộ trung tâm đề kháng này được cấu trúc theo kiểu công sự dã chiến khá kiên cố với hệ thống giao thông hào nhiều tầng nối với các ụ súng, các lô cốt và hố chiến đấu cá nhân; có hệ thống giao thông hào nối liên hoàn với cứ điểm A3 và khu trung tâm Mường Thanh. Bên trong cứ điểm được phân thành 4 khu, mỗi khu do 1 đại đội chốt giữ. Xung quanh cứ điểm có 5 lớp hàng rào và các bãi mìn, vật cản. Toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch ở đây hình thành 3 tuyến; Tuyến ngoài là tuyến đề kháng chủ yếu chạy quanh chân đồi. Tuyến 2 nằm lưng chừng đồi và tuyến 3 là trận địa hỏa lực và trung tâm chỉ huy (tại đây có hầm ngầm và công sự kiên cố).
Cứ điểm A1 còn được địch chi viện đắc lực về binh lực cũng như hỏa lực của cả tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Lực lượng địch tại đây có 2 đại đội bộ binh (BB) và 1 trung đội tăng cường, 1 đại đội trợ chiến, 1 đại đội chỉ huy 9 cơ quan Tiểu đoàn bộ)... Hỏa lực có 2 ĐKZ.57 ly, 4 khẩu cối 81 ly, 2 trọng liên 12,7 ly và 4 đại liên...
Vì là tấm lá chắn quyết định số phận của Phân khu trung tâm Mường Thanh nên địch đã tổ chức phòng ngự A1 khá vững chắc, bố trí binh hỏa lực mạnh, xây dựng trận địa kiên cố, lực lượng phản kích lớn, lực lượng chi viện đông. Mặc dù vậy , xét về tương quan lực lượng, ta vẫn có ưu thế hơn hẳn địch về binh lực cũng như hỏa lực.
17 giờ 30 ngày 30-3, mặc dù chưa liên lạc được với Đại đoàn và Đại đội lựu pháo 105 ly do dây điện thoại bị đứt, nhưng theo kế hoạch toàn mặt trận lúc này đã nổ súng được 35 phút và pháo của Bộ đã chuyển làn vào A1, Trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu An ra lệnh tiến công. 18 giờ 30 phút, Tiểu đoàn BB 9 bắt đầu tiến hành đánh bộc phá mở cửa mở trên hướng điểm (hướng chủ yếu).
Trận chiến diễn ra trong thế giằng co vô cùng quyết liêt. Đợt chiến đấu đầu tiên kéo dài đến 11 giờ 30 ngày 31-3; do không có sự chỉ huy thống nhất, đặc biệt là không cóa sự yểm hộ của hỏa lực nên mặc dù bộ đội chiến đấu rất dũng cảm nhưng vẫn không thể dứt điểm được mục tiêu, thương vong nhiều (hầu hết số cán bộ đại đội và trung đội); lực lượng còn có thể chiến đấu được còn lại rất ít, đạn dược cạn kiệt... Trước tình thế đó, lực lượng còn lại trong tung thâm tự động rút ra ngoài, kết thúc đợt tiến công thứ nhất.
Ngày 31-3, BCH Mặt trận quyết định tung Trung đoàn 102 (lực lượng dự bị chiến dịch) cùng với lực lượng còn lại của Trung đoàn 174 tiếp tục tiến công cứ điểm A1. Bốn ngày đêm chiến đấu liên tục, binh lực của ta ở A1 chỉ còn chừng hơn năm chục tay súng, trong khi cái "ụ đất' trên đỉnh đồi A1 vẫn là một ẩn số.
Sau hai đợt tiến công không thành, lực lượng bị tổn thất nặng, cả hai Trung đoàn dồn lại chỉ được khoảng 3 đại đội chiến đấu; tổ chức xộc xệch, thậm chí phải bổ sung cả lực lượng vận tải và vệ binh vào chiến đấu. Đáng ngại hơn cả là tình trạng bộ đội có phần hoang mang, tinh thần bi quan...
Nửa đêm 1-4 sau khi xốc lại lực lượng ta tiếp tục tiến công A1 lần thứ ba. Mặc dù bẻ gãy nhiều đợt phản kích của quân địch, nhưng ta cũng không thể phát triển thêm được trong khi thương vong ngày càng tăng vì phi pháo của địch.
Chấp hành mệnh lệnh "phải tiêu diệt bằng được cứ điểm A1" của BCH Đại đoàn, đêm 2-4 Trung đoàn trưởng Trung đoàn 102 lệnh tập trung toàn bộ lực lượng còn lại động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội quyết tâm tiêu diệt A1 ngay trong đêm. Tuy nhiên, cũng chung số phận như 3 lần tiến công trước đó, đợt tiến công thứ 4 kết thúc mà "cái gai"A1 vẫn chưa thể nhổ được. Được sự đồng ý của Đại đoàn, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 102 quyết định ngừng tiến công, kết thúc trận đánh; để lại 1 trung đội tiếp tục phòng ngự giữ vững trận địa, còn lại đưa thương binh, tử sĩ nhanh chóng rút khỏi cứ điểm A1.
Trận tiến công cứ điểm A1 không thành công do nhiều nguyên nhân, có cả nguyên nhân từ cấp chiến dịch và cả nguyên nhân từ cấp chiến thuật mà đúng như Đại tướng Hoàng Văn Thái - nguyên Tham mưu trưởng chiến dịch đã nhận xét: "Ta chưa chiếm được A1 vì ngay từ đầu chưa nhận thức được vị trí hiểm yếu của nó, chưa có lực lượng dự bị mạnh, chưa có cách đánh đúng, chưa diệt được địch từ phía sau lên phản kích, chưa kiềm chế được pháo binh ở Hồng Cúm". Nguyên Chính ủy Đại đoàn 316 Chu Huy Mân cũng cho rằng "Ngay từ đầu, chỉ đạo chiến dịch chưa thấy hết tầm quan trọng có ý nghĩa quyết định của hướng Đông, do đó cũng chưa thấy hết A1 là vị trí then chốt".
Đối với cấp đại đoàn, trong chỉ đạo tác chiến cũng còn thiếu sót, thiếu kiểm tra khi vội vàng tung Trung đoàn 102 vào chiến đấu khi đơn vị này chưa củng cố được lực lượng, chưa nắm vững địch tình và địa hình, không chỉ đạo rút kinh nghiệm kịp thời để thay đổi cách đánh cho phù hợp dẫn đến 4 lần tiến công vẫn không dứt điểm được mục tiêu A1, trong khi lực lượng bị tổn thất, thương vong lớn.
Việc nổ súng chậm nửa giờ khi pháo địch đã hoàn hồn, tập trung hỏa lực ngăn chặn bộ đội ta từ ngoài tiền duyên khiến lực lượng bị tiêu hao ngay trên đường tiếp cận mục tiêu. Trong quá trình xung phong, bộ đội vấp phải hỏa điểm trong hầm ngầm bắn ra gây thương vong lớn mà lẽ ra có thể tránh được nếu như công tác trinh sát nắm địch trước đó được chuẩn bị chu đáo, tỷ mỷ, phát hiện ra cái hầm ngầm quái ác này từ sớm. Việc tổ chức chặn viện để hỗ trợ cho bộ đội tiến công cũng không có hiệu quả.
Trận tiến công cứ điểm A1 không thành công không phải vì Trung đoàn 174 và Trung đoàn 102 không đủ khả năng tiêu diệt mục tiêu này, không phải vì cán bộ, chiến sỹ thiếu tinh thần dũng cảm, cũng không phải vì thiếu thời gian chuẩn bị... mà nguyên nhân chủ yếu là do cán bộ, chỉ huy đã phạm nhiều khuyết điểm trong quá trình chuản bị cũng như thực hành tác chiến.
Trận tiến công cứ điểm A1 đã phải trả giá khá đắt vì những khuyết điểm, thiếu sót nêu trên: Sau 36 ngày đêm tiến công A1 đã có 1.004 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, 1.512 bị thương ( phần lớn trong số đó là thương vong trong trận tiến công từ ngày 30-3 đến 3-4). Dẫu sao thì trận đánh không thành công này cũng đã để lại một số bài học xương máu về nắm địch và đánh giá địa hình, về xác định điểm đột phá và tổ chức trận địa xuất phát tiến công, về tổ chức đánh địch trong tung thâm, về công tác chỉ huy chiến đấu...
Những bài học kinh nghiệm này đã giúp ích cho bộ đội ta rất nhiều trong cuộc tiến công tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm A1 vào đêm 6, rạng ngày 7-5-1954.
Việt Anh