Trải lòng sau một chuyến đi
Xuất phát từ Hà Nội vào sáng sớm ngày 22-6, khi bóng chiều vắt qua đỉnh Đèo Ngang, đoàn chúng tôi đã có mặt tại Vũng Chùa - đảo Yến; thành kính dâng hương, bày tỏ niềm kính phục, tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên Quân y viện 108 đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Tướng của nhân dân, người Anh Cả của QĐND Việt Nam anh hùng; vị Tướng cũng đã dành nhiều tình cảm cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Bệnh viện 108. Trò chuyện cùng cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại Khu mộ của Đại tướng, Đại úy Đồng Thanh Hải - cán bộ Đồn Biên phòng Vũng Chùa cho biết: Mỗi ngày có từ 2.000 đến 3.000 người, cao điểm ngày lễ, tết có tới 30.000 đồng bào, chiến sĩ, CCB, học sinh... về đây viếng Đại tướng.
Rời Vũng Chùa, đến với Thành cổ Quảng Trị, những dấu tích còn lại trên mảnh đất này cùng với lời thuyết minh đầy xúc động của cán bộ Khu di tích đã đưa chúng tôi trở về với Thành cổ một thời lửa đạn, đặc biệt là 81 ngày hè đỏ lửa năm 1972, để chứng kiến tinh thần chiến đấu, hy sinh quả cảm của biết bao Chiến sĩ Thành cổ; trong đó có cả một thế hệ sinh viên, học sinh tuổi đôi mươi, xếp bút nghiên đi chiến đấu và đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây.
Trước Đài tưởng niệm tại Nghĩa trang Quốc gia Đường 9, dưới cái nắng như đổ lửa, chúng tôi đã kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh vì khát vọng hòa bình, độc lập tự do, thống nhất đất nước và vì nghĩa vụ quốc tế cao cả. Trò chuyện với đồng chí Hoàng Chí - người phụ trách nghĩa trang, các thành viên của đoàn như lặng đi, sẻ chia cùng anh nỗi trăn trở, nỗi đau khi hàng nghìn mộ liệt sĩ chưa định danh. Từ trong sâu thẳm lòng mình, tôi nghĩ rằng tên các anh chị không bao giờ mất mà mãi mãi gắn liền với những chiến công chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc.
Ngược đường 9 lên đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, đoàn tới Nghĩa trang Trường Sơn - nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia thứ hai trên đất Quảng Trị. Đến với Nghĩa trang Trường Sơn là đến với biểu tượng bi hùng của cả dân tộc một thời "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước".
Đồng chí Hồ Tất Ái - phụ trách nghĩa trang cho chúng tôi biết: Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là nơi yên nghỉ của 10.260 liệt sĩ. Hằng năm có trên 1,2 triệu người đến thăm viếng. Dự kiến năm 2017 - kỷ niệm 70 năm Ngày TBLS sẽ có khoảng 3 triệu người thăm viếng.
Sau lễ dâng hương tại Đài liệt sĩ, chúng tôi tỏa đi các khu mộ thắp hương lên từng phần mộ liệt sĩ. Số thành viên của đoàn ít, thời gian eo hẹp, nhưng ai cũng muốn thắp thật nhiều, muốn gửi gắm chút tình cảm của mình đến những con người hy sinh vì nước, vì dân, đã hơn 40 năm nằm dưới lòng đất lạnh!
Ngược Đường Hồ Chí Minh, đoàn chúng tôi trở ra Hà Tĩnh, đến thăm Di tích Ngã ba Đồng Lộc, thăm viếng 10 nữ Anh hùng liệt sĩ hy sinh tại địa danh đã đi vào lịch sử nước nhà. Sau lễ dâng hương, các thành viên của Đoàn nghẹn ngào xúc động đến thắp hương tại các phần mộ của 10 nữ Anh hùng... Trời Can Lộc xanh cao vời vợi như chưa bao giờ xanh đến thế; gió ngàn thông reo như tạo thành bản hòa âm vĩ đại, ngợi ca gương những anh hùng liệt nữ dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước xanh mãi màu xanh...!
Suốt cuôc hành trình sâu nặng nghĩa tình, tất cả những nơi đoàn đến, chúng tôi đều được đón tiếp nhiệt tình, chu đáo. Thay mặt cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, Đại tá Lê Hữu Song đã gặp gỡ, tặng quà các đơn vị, bày tỏ sự kính trọng, tri ân những tập thể, cá nhân đang ngày đêm âm thầm cống hiến hết mình cho hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”.
Hành trình sâu nặng ân tình kết thúc. Trở về với công việc ngày thường, mỗi chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, nhiệt huyết từ vị Đại tướng huyền thoại và biết bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để đất nước có ngày hôm nay. Để rồi mỗi người tự nhủ mình phải sống và cống hiến sao đây khỏi thẹn lòng với vong linh các anh hùng liệt sĩ.
Phạm Xuân Bình