Đối tượng người có công được mở rộng, chế độ ưu đãi tăng đã đảm bảo sự công bằng và đồng thuận của xã hội. Cả nước có trên 8,8 triệu đối tượng người có công, chiếm gần 10% dân số. Trong đó, có 1.146.250 liệt sĩ; hơn 3.000 Bà mẹ VNAH còn sống; trên 780.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh; khoảng 187.000 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học và con đẻ của họ…

Bên cạnh đó, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, đền đài liệt sĩ cũng được Nhà nước và toàn xã hội chăm lo. Nhiều công trình ghi công liệt sĩ trở thành công trình lịch sử văn hoá, có sức thuyết phục lớn về mỹ thuật, đạo đức, giáo dục như các NTLS Trường Sơn, Điện Biên Phủ, Đường 9; Đền liệt sĩ Bến Dược; Đài tưởng niệm liệt sĩ Thái Nguyên.

Bộ LĐTBXH đã tham mưu, hướng dẫn và tổ chức thực hiện giải quyết chế độ chính sách, thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, không ngừng quan tâm, chăm sóc người có công một cách thiết thực, mang lại hiệu quả cao. Nhiều phong trào được phát triển từ các thôn, bản, xã phường, được tổng kết và nhân rộng trong phạm vi cả nước, như phong trào tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; tặng vườn cây tình nghĩa, áo ấm tặng mẹ, áo lụa tặng bà; phụng dưỡng Bà mẹ VNAH, chăm sóc thân nhân liệt sĩ, đỡ đầu con thương binh, liệt sĩ; nhiều địa phương kết nghĩa, giúp đỡ xây dựng hàng ngàn nhà tình nghĩa và công trình phục vụ đời sống xã hội…

Hiện còn hơn 1,47 triệu đối tượng người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng của Nhà nước. Về cơ bản, hầu hết những người có công với cách mạng đã được xác nhận và hưởng chế độ ưu đãi. Đời sống người có công được ổn định và từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 5% số người có công có mức sống dưới mức trung bình. Thời gian tới, cần có những giải pháp để nâng cao đời sống của người có công như tăng cường sự quan tâm, chăm lo đầu tư của Nhà nước đối với người có công; xã hội hóa thực hiện các phong trào như ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây nhà tình nghĩa… phát động phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” và khơi dậy phong trào Toàn dân chăm sóc người có công và tạo mọi điều kiện tốt nhất mà Nhà nước, nhân dân, địa phương có thể làm được để người có công nỗ lực vươn lên, không trông chờ vào sự quan tâm, chăm lo của Nhà nước, tự làm kinh tế giỏi, tự sản xuất, tự chăm lo bản thân họ thì đời sống của họ sẽ tốt hơn.

Bài và ảnh: Dương Sơn