Trách nhiệm hôm nay!
Hàng trăm chương trình giao lưu nghệ thuật trên sóng truyền hình Trung ương và các tỉnh, thành phố cùng các buổi lễ mít tinh tưởng niệm các Anh hùng, liệt sĩ được tổ chức long trọng tại các địa danh lịch sử để ôn lại những năm tháng hào hùng thời “Hoa lửa”, để tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Đất nước và nhắc nhở trách nhiệm của những người đang sống.
Đó là những việc làm rất nhân văn, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và chính sách với người có công của Đảng, Nhà nước ta. Song còn nhiều việc cần làm và phải làm nhanh hơn nữa, nếu chúng ta thấy được trách nhiệm của mình trước anh linh những Anh hùng Liệt sĩ.
Hơn ai hết, các Anh hùng Liệt sĩ mong muốn đất nước được hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hàng triệu thanh niên với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt”, với mục tiêu “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, mục tiêu đó là giành và giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Để làm được điều đó, đã có 1,2 triệu liệt sĩ nằm lại, hàng triệu CCB trong đó có nhiều người đã mất một phần thân thể bởi bom đạn của kẻ thù... Đất nước đã được giải phóng, biên cương vẫn trọn vẹn, các cao điểm ở Vị Xuyên, Hà Giang, ở Tri Tôn, An Giang, ở Tân Biên, Tây Ninh... vẫn được giữ vững.
Trách nhiệm của chúng ta hôm nay là không để bất cứ kẻ thù nào xâm chiếm bờ cõi đã được xây dựng, bảo vệ bằng mồ hôi, xương máu của bao thế hệ người Việt Nam. Cùng với đó, phải hết sức cảnh giác với các “nhóm lợi ích” núp danh nghĩa “liên doanh”, “liên kết” với người nước ngoài để phát triển kinh tế, phù phép biến nhiều khu đất đắc địa thành nhà hàng, khách sạn... để họ làm ăn sinh sống với mưu đồ lấy vợ, đẻ con “lập cứ” trong nội địa ta.
Và ước mơ, hoài bão lớn lao của các Anh hùng liệt sĩ là sau khi giành được độc lập, tự do cho Tổ quốc sẽ “Xây dựng đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn” như căn dặn trong Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đống đổ nát sau 30 năm chiến tranh chống Mỹ và 2 cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, thực hiện đường lối “đổi mới” của Đảng, đất nước ta đã vượt qua tiêu chí nước nghèo, trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình.
Song “Một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên đã tha hóa, biến chất đặt lợi ích của bản thân lên trên lợi ích dân tộc, tìm mọi cách để vơ vét, tham nhũng, để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho đất nước. Đó là các dự án “nghìn tỉ”, công nghệ lạc hậu, sản phẩm khó cạnh tranh, càng sản xuất càng lỗ. Đó là tài nguyên, khoáng sản bị khai thác cạn kiệt, môi trường bị tàn phá nghiêm trọng mà hậu quả là lũ lụt, thiên tai đã nhãn tiền. Đó là nợ công đã gần vượt qua ranh giới đỏ, con cháu phải còng lưng trả nợ. Và nguy hại hơn, đã xuất hiện một lớp cán bộ không chịu tu dưỡng, rèn luyện; “bằng thật, học giả”, năng lực hạn chế, đạo đức thấp kém, nhưng lại rất tài “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy dự án”.
Không biết khi ngồi trên ghế lãnh đạo, khi đưa tiền vào túi riêng họ có nhớ đến những người đã ngã xuống, để họ được sống như ngày hôm nay?
Phạm Đỗ Công