Ông Nguyễn Văn Thành ở thôn 1, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My đã gắn bó với cây quế hơn 20 năm. Ông cho biết, trong vườn nhà ông hiện có hàng trăm cây quế từ 15 đến 20 năm tuổi. Mỗi năm, ông Thành chỉ chọn một số cây đủ tuổi khai thác để trang trải cuộc sống gia đình, còn lại làm “của để dành”. Năm nay, vỏ quế tươi có giá từ 15 đến 20 nghìn đồng/kg, vỏ quế khô có giá từ 40 đến 60 nghìn đồng/kg tùy theo chất lượng. Tính ra, mỗi năm gia đình ông Thành thu từ cây quế khoảng 15 triệu đồng.
Ở xã Trà Leng, những hộ có thu nhập ổn định từ cây quế như hộ ông Thành không phải là ít. Bí thư Đảng ủy xã Trà Leng-Hồ Quốc Khánh cho biết: “Những năm qua, dù giá cả có lúc bấp bênh, nhưng người dân vẫn gắn bó với cây quế. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, hằng năm đến mùa thu hoạch, các gia đình khai thác từ 10 đến 20 cây quế đủ tuổi; mỗi cây bình quân cho 20kg vỏ, trị giá khoảng 1 triệu đồng. Từ số tiền này, các hộ có tiền để chi tiêu và đầu tư trồng mới lại những diện tích đã khai thác, cho nên có sản lượng và nguồn thu ổn định từ cây quế...”.
Để bảo tồn và đầu tư phát triển quế Trà My theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa nghề trồng quế trở thành một nghề có thế mạnh trong sản xuất nông lâm nghiệp, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nghị quyết chuyên đề về Quy hoạch phát triển cây quế Trà My đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu đến 2025, phát triển và ổn định vùng nguyên liệu với diện tích trồng đạt khoảng 7.770ha, trong đó trồng mới 4.017ha.
Về các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn, Tiên Phước… của mảnh đất Quảng Nam anh hùng mùa này, màu xanh của cây quế, hương thơm của cây quế như ở khắp mọi nơi. Cuộc sống đồng bào dân tộc Xơ Đăng, Mơ Nông ở đây đang đổi thay từng ngày, nhờ cây quế.
Quốc Việt