Trả lại ảnh chân dung của người Anh hùng
Nguyên là nhân viên Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị BTL Mặt trận Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng, người tham gia Hội nghi mừng công của Mặt trận Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng năm ấy, ông Sơn biết rõ tấm hình đó là ai.
Ông bèn kể rõ ngọn ngành và cả hai đều hết sức ngỡ ngàng trước sự kỳ lạ này! Nếu Trần Đình Huân không cài tấm ảnh ấy làm màn hình chính? Nếu người thấy tấm ảnh không phải là người biết rõ về Hoàng Đăng Miện và tấm ảnh đó được chụp ở đâu? Thì có lẽ mọi sự... sẽ qua đi lặng lẽ như nó vẫn thế! Cũng lại là một sự ngẫu nhiên kỳ lạ! Ngay buổi chiều hôm ấy, chương trình truyền hình QPVN phát hình "Kỷ vật của Anh hùng Hoàng Đăng Miện"! Có điều gì đó rất linh thiêng trong tất cả những cái ngẫu nhiên này.
Anh hùng LLVTND, liệt sĩ Hoàng Đăng Miện, sinh năm 1953, quê quán (theo địa danh hiện nay) thôn Đông Bình, thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh; hy sinh ngày 9-9-1972, tại Mặt trận Quảng Trị trong trận tiến công Đồi Cháy, một điểm cao ở phía đông nam Như Lệ. Được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND tháng 9-1973. Khi hy sinh Hoàng Đăng Miện thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312.
Ở Mặt trận Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng khi Sư đoàn 312 tham chiến tại đây trong chiến dịch "Z", Hoàng Đăng Miện với khẩu B.40 (sau là B.41) của mình đã tiêu diệt nhiều hỏa điểm và sinh lực địch, góp phần cùng đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Kỹ năng sử dụng vũ khí hoàn hảo, cùng tinh thần chiến đấu dũng cảm, kiên cường, bình tĩnh trong mọi tình huống, mỗi lần anh bóp cò, hầu như các mục tiêu đều bị tiêu diệt. Kết thúc chiến dịch "Z", anh được bầu là Chiến sĩ Thi đua của Mặt trận. Chính tại Hội nghị mừng công của Mặt trận Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng tổ chức tại Bản Thẳm, anh đã được một phóng viên ảnh của Việt Nam TTX (nay là TTX Việt Nam) chụp một tấm ảnh rất đẹp. Trong ảnh, với khẩu B.41 trên vai, Hoàng Đăng Miện nở nụ cười tươi rói thật rạng ngời. Nhân vật vốn đã đẹp trai, hồn nhiên, nhưng người chụp cũng "chớp" được khoảnh khắc thật tài tình! Tấm ảnh, dù chỉ là đen trắng nhưng sức truyền cảm thật mạnh mẽ! Nhìn ánh mắt, nụ cười người chiến sĩ ấy, ta thấy toát lên một niềm tin chiến thắng mãnh liệt! Có lẽ đây cũng là tấm ảnh cuối cùng của người Anh hùng vì chỉ vài tháng sau, anh đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất Quảng Trị ở tuổi 19, khi Sư đoàn 312 trở về nước tham gia chiến dịch bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 lịch sử.
Năm tháng qua đi, cùng với thời gian, tấm ảnh cũng thất lạc. Ngay tại quê hương anh, đơn vị cũ của anh, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam... cũng chỉ còn lưu giữ một tấm ảnh được vẽ bởi một người thợ truyền hình ở phố huyện quê nhà theo sự mô tả của người thân trong gia đình và bạn bè.
Những tưởng, mọi chuyện cứ thế trôi qua...
Biết rõ gia đình Hoàng Đăng Miện không thể có tấm ảnh này, hai người bạn chiến đấu năm xưa, nay đã bạc trắng đầu, bàn nhau phóng to tấm ảnh, lắp khung đẹp mang về quê hương tặng gia đình như một sự tri ân người Anh hùng, như đưa anh trở về với quê hương.
Buổi trao lại tấm ảnh vô cùng xúc động! Cùng với những người bạn chiến đấu của Hoàng Đăng Miện, mọi người thân của anh đều òa khóc khi lần đầu tiên nhìn thấy anh tươi cười rạng rỡ kể từ khi rời quê hương lên đường cách đây đã gần nửa thế kỷ. Những người trao ảnh cũng không cầm được nước mắt. Và bây giờ thì cùng với hài cốt của anh, hình ảnh Hoàng Đăng Miện đã mãi mãi tươi cười bên gia đình, trên quê hương mình.
Những người đồng đội của anh vẫn còn chút băn khoăn về tác giả tấm ảnh, theo Trung tá Bùi Minh Sơn, tại Hội nghị mừng công của Mặt trận năm ấy, Lương Nghĩa Dũng-phóng viên ảnh của Việt Nam TTX khi ấy đi cùng Sư đoàn 312. Lương Nghĩa Dũng cũng đã hy sinh ở Mặt trận Quảng Trị năm 1972!
Nguyễn Hữu Đức