Câu trả lời phải được ngành chức năng làm rõ. Nhiều năm qua khi Nhà nước bỏ hàng loạt giấy phép con, tạo điều kiện cho người kinh doanh vận tải có điều kiện được đăng ký hợp pháp thì xe dù cũng dần triệt tiêu? Và xe dù giờ đây là những xe có đăng ký kinh doanh. Nhưng kinh doanh sai quy định về vận tải. Đơn cử xe đón trả khách không theo tuyến cố định được cơ quan cấp phép nhưng lại đón trả khách ở một nơi khác là văn phòng giao dịch, bến bãi tự phát... Hiệu quả của việc không thống nhất được khái niệm như thế thì hiệu quả việc chống xe dù là chưa cao? Cũng có không ít cán bộ ngành giao thông viện lý do này để giải thích việc xe dù hoành hoành. Như doanh nghiệp Thành Bưởi thời gian qua tại đường Lê Hồng Phong, quận 10 là ví dụ điển hình. Thống kê từ Sở GTVT, hiện thành phố có 10 doanh nghiệp vận tải hành khách cố định liên tỉnh cố tình nhập nhằng hai loại hình này. Theo chỉ đạo Văn bản số 1288/VPCP ngày 13-2-2017 đối với TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết: Nếu tất cả hơn 100 doanh nghiệp, đơn vị vận tải hành khách liên tỉnh đều làm như vậy thì không biết giao thông thành phố diễn biến ra sao? Bởi thế sang năm 2017, thành phố quyết tâm xử lý nạn xe dù - bến cóc, ngành giao thông vận tải và các quận huyện cùng phối hợp đồng bộ và kiên quyết, không nhân nhượng với bất cứ trường hợp nào.

Kiên quyết xử lý tình trạng lấn chiếm lòng lề đường
Ngày 17-2-2017 tại Hội nghị tổng kết ATGT thành phố năm 2016, chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong nhận định rằng: Nạn ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng.
Nhiều nguyên nhân được nhắc đến như: Hạ tầng giao thông quá tải, phương tiện cá nhân tăng đột biến, ý thức con người tham gia giao thông còn kém… Do đó năm 2017, Chủ tịch thành phố yêu cầu các quận huyện khẩn trương đề xuất các giải pháp kéo giảm TNGT và ùn tắc giao thông. Các địa phương rà soát lại 159 tuyến đường kiểu mẫu đã thực hiện tới nay ra sao? Cần giải quyết dứt điểm 37 điểm ùn tắc giao thông được coi là điểm đen thì phải dứt điểm như thế nào? Hiện nay việc xử lý trật tự lòng lề đường đang thực hiện quyết liệt ở các quận huyện và làm liên tục thường xuyên không được ngưng nghỉ… Trong tháng 3-2017 phải có báo cáo cụ thể, nơi nào làm không tốt sẽ bị xử lý, nơi nào làm tốt sẽ được biểu dương… Cũng cần nói thêm là tại Hội thảo ngày 24-2-2017 nhằm thống nhất việc quản lý các loại phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn thành phố, ngành giao thông vận tải có đề xuất TP. Hồ Chí Minh cho phép thành lập cơ quan quản lý giao thông công cộng. Trước mắt Sở GTVT chọn Trung tâm điều hành vận tải hành khách công cộng làm nòng cốt để phát triển thành một cơ quan trung gian về lộ trình sau đó thì đơn vị tư vấn sẽ hoàn chỉnh kết quả nghiên cứu, trên cơ sở đó Ban giao thông đô thị của HĐND cùng với Sở GTVT báo cáo UBND thành phố thông qua Sở Nội vụ.

Ưu tiên phát triển xe buýt
Tổng kết năm 2016 khối lượng vận tải hành khách công cộng đạt khoảng 167 triệu lượt khách, đạt 95% kế hoạch, giảm 1% so cùng kỳ. Tính chung 10 năm trở lại đây, cụ thể năm 2016 xe buýt thành phố được đầu tư lớn nhất, đồng bộ nhất. Hiện toàn thành phố có 142 tuyến xe buýt, trong đó có 107 tuyến có trợ giá và 35 tuyến không trợ giá. Gần 100% xe cũ đã được đổi xe mới và chạy bằng khí CNG thân thiện môi trường. Bên cạnh đó Sở GTVT lắp đặt camera trên 1.443 xe buýt của 45 tuyến đường, lắp đặt thiết bị rao trạm trên gần 1.000 phương tiện, gần 100 xe buýt đã có Wifi, phần mềm Busmap hỗ trợ hành khách trên tuyến xe buýt phù hợp trên điện thoại di động và đưa vào sử dụng. Hiện đã có 157.000 lượt tải về và mỗi ngày có 21.000 lượt người sử dụng... Tuy vậy số lượng hành khách đi xe buýt giảm 1-3%. Sự sụt giảm kéo dài nhiều năm, có rất nhiều nguyên nhân như: Từ chất lượng phương tiện đến thái độ phục vụ của tài xế, tiếp viên... Song theo ý kiến qua nhiều lần hội thảo của các chuyên gia thì quan trọng hơn cả là xe buýt không có đường đi thuận lợi, bị xe cá nhân bao vây, không đảm bảo đúng lộ trình, về trễ từ 30-60 phút...
Các giải pháp để hạn chế tình trạng trên là rất khó khăn, vì thế mà số lượng hành khách bị sụt giảm. Kế hoạch đặt ra bây giờ là thí điểm tổ chức lại làn ưu tiên dành riêng cho xe buýt trên một số tuyến đường như: Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Trỗi, xa lộ Hà Nội… và có thể coi đây là quyết định đúng của ngành GTVT TP. Hồ Chí Minh. Những biện pháp trên để lập lại trật tự giao thông nội đô được dư luận người dân TP. Hồ Chí Minh ủng hộ và hưởng ứng, để tình hình giao thông đô thị của thành phố ngày càng tốt hơn.
Quang Ngọc