TP. Hồ Chí Minh Cùng cả nước thực hiện đổi mới, hội nhập
Nghị quyết 16-NQ/TƯ ngày 10-8-2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố đến năm 2020, đã đánh giá: “TP. Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực có sưc thu hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã luôn phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, phấn đấu bền bỉ, năng động, sáng tạo, đoàn kết, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới cho đến nay”.
Mặc dù chỉ chiếm 0,6% về diện tích tự nhiên và 8,8% dân số của cả nước, nhưng đến năm 2014 TP. Hồ Chí Minh đã đóng góp 21,7% GDP cả nước; tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 30,3%; khu vực dịch vụ đạt 29,8%; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 21,4%; giá trị kim ngạch nhập khẩu đạt 20,7%; khu vực công nghiệp-xây dựng đạt 29,8%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 22,3%. Tính đến cuối năm 2014, mức thu nhập bình quân của người dân đạt 5.131 USD, bằng 2,5 lần so với bình quân thu nhập/người của cả nước.
Trên cơ sở vận dụng sáng tạo Nghị quyết XI của Đảng, về chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, gắn với thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, kiên định con đường XHCN, chủ động nắm bắt thời cơ, giữ vững ổn định chính trị-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, phát triển thành phố nhanh và bền vững với chất lượng và tốc độ cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Thành phố đã cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, để thu hút đầu tư nước ngoài, chú trọng thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và bảo vệ môi trường. Đến cuối năm 2014, thành phố có trên 140 ngàn doanh nghiệp, hơn 250 ngàn hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động; có 5.331 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng số vốn đầu tư là 36,65 tỷ USD. Hiện tại, có 3 khu chế xuất và 13 khu công nghiệp, với tổng diện tích 3.748ha. Một khu công nghệ cao với diện tích 913ha, Công viên phần mềm Quang Trung 43ha. Toàn thành phố hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh thuộc các thành phần kinh tế, đồng thời thu hút nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đầu tư, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của thành phố.
Theo thống kê mới nhất của Sở Kế hoạch và đầu tư, tính đến tháng 2-2015 đã có 41 dự án đăng ký mới và 20 dự án tăng vốn, với tổng số vốn đầu tư là 506 triệu USD, góp phần đưa tổng số vốn đầu tư còn hiệu lực trên địa bàn thành phố lên 36,81 tỷ USD. Với việc đầu tư mạnh mẽ như trên, khu vực FDI đã đóng góp 23,8% trong tổng GDP của thành phố, góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành kinh tế theo chiều hướng tích cực.
Năm 2015, thành phố tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao (cơ khí; điện tử-công nghệ thông tin; hóa dược-cao su; chế biến tinh lương thực, thực phẩm); phát triển công nghiệp hỗ trợ. Kết cấu hạ tầng thương mại không ngừng được đầu tư theo hướng hiện đại. Hiện tại, thành phố có 37 trung tâm thương mại, 175 siêu thị, 240 chợ truyền thống, 723 cửa hàng tổng hợp bách hóa. Theo thống kê của Tập đoàn CBRE Việt Nam, thành phố có 331 tòa nhà văn phòng, với tổng diện tích 2.123.086m2. Sự phát triển nhanh chóng của các tòa nhà văn phòng đã góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư, bao gồm đầu tư trong nước và nước ngoài, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ có nhiều thế mạnh, bao gồm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin truyền thông... Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững, phấn đấu cơ bản hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2015.
TP. Hồ Chí Minh đã tập trung triển khai thực hiện 6 chương trình nhánh, thuộc chương trình phát triển nguồn nhân lực. Hằng năm thành phố dành hơn 27% chi thường xuyên và 20% chi đầu tư xây dựng cơ bản cho ngành giáo dục-đào tạo, góp phần nâng cao chất lương giáo dục-đào tạo. Các chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đạt kết quả thiết thực, cơ sở vật chất ngành y tế được đầu tư, nâng cấp, mở rộng. Đến năm 2015, TP. Hồ Chí Minh có 105 bệnh viện các loại, với trên 34 ngàn giường bệnh, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho 29 triệu lượt người, đạt 14,5 bác sĩ/10.000 dân, 43 giường/10.000 dân. Hoạt động thể dục-thể thao, văn hóa-xã hội được chú trọng đầu tư phát triển theo hướng xã hội hóa.
Đến năm 2015, mặt bằng về mức sống dân cư tại TP.Hồ Chí Minh đã được nâng lên rõ rệt, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, từ 5,69% năm 2011 xuống còn 0,54% năm 2014; kết thúc giai đoạn 3 “Chương trình giảm hộ nghèo, tăng hộ khá” sớm hơn 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX đề ra. Giai đoạn 2014-2015, TP. Hồ chí Minh đã nâng chuẩn hộ nghèo và cận nghèo, theo đó chuẩn hộ nghèo có mức thu nhập bình quân 16 triệu đồng/người/năm trở xuống (bằng với chuẩn nghèo của thế giới) và hộ cận nghèo có mức thu nhập bình quân từ 16-21 triệu đồng/người/năm.
Trong những năm qua, TP. Hồ Chí Minh đã kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế-xã hội, với củng cố quốc phòng, an ninh, đồng thời nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, tư pháp, đối ngoại, hội nhập quốc tế, tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý Nhà nước của bộ máy chính quyền.
Để đạt được những mục tiêu, thành phố đã tập trung nguồn lực của cả hệ thống chính trị, sự thống nhất giữa các cấp, các ngành trong công tác triển khai thực hiện, với sự đồng thuận, ủng hộ của mọi tầng lớp nhân dân. Với ý thức trách nhiện “Vì cả nước, cùng cả nước”, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN, TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục kế thừa xứng đáng truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo quyết tâm xây dựng TP. Hồ Chí Minh ngày càng văn minh, hiện đại, nghĩa tình, mãi xứng đáng là thành phố Anh hùng mang tên Bác Hồ kính yêu.
Vũ Xiêm