Trong kháng chiến chống Mỹ, TP Cần Thơ là trung tâm đầu não Vùng IV chiến thuật của Mỹ-ngụy chi huy toàn vùng ĐBSCL. Tháng 4-1975, tuy bị thất bại nặng nề ở nhiều nơi trên chiến trường miền Nam, nhưng Mỹ-ngụy vẫn quyết tâm tập trung lực lượng phòng thủ tại Cần Thơ, hy vọng cứu vãn tình thế. Bộ tư lệnh Vùng IV chiến thuật điều động phần lớn lực lượng về trấn thủ quanh thành phố tăng quân số lên khoảng 20.000 tên, 400 đồn bốt, 2 tiểu khu, 11 chi khu, 2 giang đoàn, Sư đoàn 21, Sư đoàn 7, Sư đoàn không quân số 4, Thiết đoàn số 8, Chi đoàn 296...
Thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh, 17 giờ ngày 26-4-1975, LLVT tỉnh chia làm 3 hướng tiến công áp sát thành phố. Ngày 28-4-1975, tòa lãnh sự Mỹ ở Cần Thơ rút chạy, ngụy quân, ngụy quyền hoang mang. 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 khi quân ta tiến vào Dinh Độc Lập, thì Thành ủy Cần Thơ cũng chỉ thị cho các lực lượng nổi dậy và tiến công đồng loạt vào các mục tiêu đã chọn. Khắp thành phố máy phóng thanh vang lên lời kêu gọi địch giao nộp vũ khí cách mạng. 14 giờ 30 phút ngày 30-4, ta chiếm Đài phát thanh, 15 giờ bản tuyên bố đầu tiên của UBND cách mạng TP. Cần Thơ được phát trên sóng của đài. 18 giờ 30 phút ta chiếm Dinh tỉnh trưởng và sở chỉ huy Sư đoàn 21 ngụy, buộc tên Sư đoàn trưởng Mạch Văn Trường ra lệnh cho toàn sư đoàn hạ súng đầu hàng quân giải phóng; TP. Cần Thơ trung tâm đầu não của địch ở ĐBSCL giải phóng.
Ngay từ những ngày đầu hòa bình, thống nhất, Đảng bộ và nhân dân Cần Thơ bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng quê hương giàu đẹp. Trước hết là xây dựng cơ sở hạ tầng, đường xá, các cơ sở sản xuất, công nghiệp, điển hình là 2 khu công nghiệp tại Trà Nóc, quận Bình Thủy; trung tâm công nghệ phần mềm là một trong những dự án được TP tâm đầu tư phát triển; nhà máy nhiệt điện có công suất 200 MW hòa vào lưới điện quốc gia. Hiện tại, TP đang xây dựng Nhà máy nhiệt điện Ô Môn có công suất giai đoạn đầu là 600MW, sau đó sẽ được nâng cấp lên 1.200MW; dự án đường ống dẫn khí Lô B (ngoài khơi biển Tây)-Ô Môn đưa khí vào cung cấp cho Trung tâm điện lực Ô Môn (tổng công suất dự kiến lên đến 2600MW) đang được Tổng công ty Dầu khí Việt Nam triển khai; Đường xá được nâng cấp từ quốc lộ, tỉnh lộ, hương lộ; đường thủy Cần Thơ nằm bên bờ phía nam sông Hậu cho các tàu có trọng tải trên 1.000 tấn; cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu, nối TP. Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long, đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á; cảng Trà Nóc diện tích 16ha, có 3 kho chứa lớn với dung lượng 40.000 tấn; khối lượng hàng hóa thông qua cảng có thể đạt đến 200.000 tấn/năm; cảng Cần Thơ diện tích 60.000m2, có thể tiếp nhận tàu biển 10.000 tấn; cảng Cái Cui phục vụ cho tàu từ 10.000-20.000 tấn, khối lượng hàng hóa thông qua cảng là 4,2 triệu tấn/năm; đường hàng không, Cần Thơ có sân bay Trà Nóc, lớn nhất khu vực ĐBSCL.
Cần Thơ tự hào được Bộ Chính trị xác định là thành phố trung tâm động lực, đóng vai trò kết nối, tạo lực đẩy cho toàn vùng phát triển. 6 năm gần đây Cần Thơ tốc độ tăng trưởng kinh tế rất đáng phấn khởi. Riêng năm 2014 GDP tăng 12,05%, thu nhập bình quân đạt 70,2 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, dịch vụ thương mại và bán lẻ hàng hóa đạt doanh thu gần 72 ngàn tỷ đồng, đạt tốc độ phát triển 14,85%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 12.129 tỉ đồng vượt 26,4% dự toán HĐND thành phố giao. Cần Thơ đặc biệt quan tâm và ưu tiên kinh phí đầu tư các lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ, y tế và thực hiện công tác an sinh xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 3,95% năm trước xuống còn 2,84%. Riêng Hộ#i CCB giảm tỷ lệ hộ nghèo từ trên 2% năm trước xuống cuối năm 2014 là 0,48% (59 hộ) - cận nghèo còn 1,03% (126 hộ). Hiện nay có 2/9 quận, huyện hội không còn hộ nghèo (Quận hội Ninh Kiều, Bình Thủy) 52/85 cơ sở Hội CCB cấp phường, xã không còn hộ nghèo.
40 năm xây dựng và phát triển, TP. Cần Thơ đạt những thành tựu khá toàn diện, làm tiền đề, nền móng vững chắc để vững bước tiến lên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Bài và ảnh: Trần Hiếu